Ngày 4-12, sau khi đi khảo sát thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác đã làm việc với tỉnh về vấn đề này.
Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng làm việc với tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ (2015-2020).
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình sạt lở ven biển diễn biến phức tạp, làm mất đất rừng phòng hộ (theo tính toán từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã bị mất khoảng 8.870 ha, trung bình mỗi năm mất trên 800 ha), đặc biệt nguy cơ cao gây vỡ đê biển Tây, ảnh hướng lớn đến sản xuất, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân trong vùng.
Hiện dọc bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57.000m, nhiều đoạn xói lở sâu, gây ra nguy cơ phá vỡ đê biển. Trong đó, có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm, chiều dài tổng cộng khoảng 7.800m. Còn dọc bờ biển Đông xói lở có chiều dài khoảng 48.000m, có nhiều đoạn xói lở sâu, mất đất rừng phòng hộ hơn 1.450.000m².
Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là tại địa bàn các huyện ven biển Đông như: huyện Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Trung ương bổ sung và tăng vốn hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau để đầu tư thực hiện các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển; bổ sung vốn để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây và đê biển Đông.
UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương bố trí nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp 300 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư để di dời khẩn cấp 356 hộ sông ven sông đang có nguy cơ sạt lở rất nghiêm trọng trên địa bàn thị trấn Năm Căn.
Ngoài ra, xem xét có cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời (như chính sách về đất dai, về rừng: các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kè và được giao sử dụng rừng phòng hộ ven biển khôi phục thêm được từ dự án để kinh doanh du lịch sinh thái)…
Ông Hiển cũng đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh trong việc phòng chống sạt lở bờ biển, cũng như thực hiện một số giải pháp kè chống sạt lở và đem lại hiệu quả cao.
Còn đề xuất của UBND tỉnh Cà Mau về cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, ông Hiển cho biết, việc đầu tư điện gió kết hợp với chóng sạt lở. Vì vậy, nếu phù hợp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể ra Nghị quyết riêng hoặc làm thí điểm.
Ông Hiển đề nghị tỉnh Cà Mau, cũng như các tỉnh ĐBSCL phối hợp với Bộ NN-PTNT lập dự án cụ thể và chi tiết. Tham mưu cho Chính phủ để đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến để cấp bách chống sạt lở.