Theo đó, người dân cần cải tạo vuông nuôi triệt để, đúng quy trình kỹ thuật trước khi vào mùa vụ thả giống, đặc biệt những vuông nuôi đã, đang có cua chết, cần phơi đầm, sử dụng vôi để cải tạo, diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng, giáp xác nhỏ trong ao nuôi.
Sử dụng nguồn nước đã được xử lý mầm bệnh để nuôi: đối với vuông nuôi có diện tích lớn (tôm - rừng), cần chủ động bao ví bằng lưới mành khu ương nuôi, trước khi thả giống, sử dụng thuốc, hóa chất để diệt mầm bệnh, sau đó sử dụng phân gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên.
Thả giống với mật độ vừa phải, vùng nuôi quảng canh (tôm - rừng) sử dụng con giống được thuần dưỡng 2, 3 giai đoạn, khuyến cáo mật độ thả nuôi tôm từ 3 - 5 con/m2; cua nuôi mật độ từ 0,5 - 1 con/m2. Hạn chế các sinh vật trung gian.
Trước đó, trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau xuất hiện tình trạng cua chết không rõ nguyên. Ngay sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, khắc phục.
Các đơn vị chuyên môn của Sở NN-PTNT đi khảo sát, kiểm tra. Tại huyện Ngọc Hiển ghi nhận cua chết có biểu hiện sùi bọt, các cơ chân co giật, run run rồi chết. Tại huyện Năm Căn cua chết có biểu hiện vỏ mềm, thịt ốp và có ký sinh trùng bám.
Theo nhận định của các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thì đối với những hộ nuôi tôm - rừng, năng suất nuôi trồng thủy sản giảm so với những năm trước, đặc biệt những hộ sau khai thác rừng trên 5 năm (khi rừng khép tán), cường độ chiếu sáng xuống mặt nước giảm, ảnh hưởng đến phát triển của động, thực vật phù du (chuỗi thức ăn tự nhiên của động vật thủy sản), riêng những hộ mới khai thác rừng (rừng mới trồng chưa khép tán) năng suất, sản lượng tôm, cua tương đối ổn định.
Thời tiết thay đổi thất thường, nắng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá cao, đây được xem là yếu tố bất lợi cho thủy sản phát triển và cũng được xem là một trong những tác nhân có lợi cho các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh lên đối tượng thủy sản nuôi (tôm, cua...).
Kết quả xét nghiệm mẫu cua chết, cua sống, nước, đất trên địa bàn xã Tân Ân Tây, Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển) và xã Lâm Hải (huyện Năm Căn)... của Phân Viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu cho thấy: tất cả các mẫu phân tích đều phát hiện ký sinh trùng (giáp xác chân tơ Sacculina sp) trên mang, gan, mô, buồng trứng (khi nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp, chúng làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, sinh trưởng chậm. Nếu cua nhiễm ký sinh trùng cao gây sự suy kiệt quần đàn dẫn đến cua có dấu hiệu bị run chân).
Một số mẫu xuất hiện ký sinh bên ngoài như: giun tròn, zoothamium sp, hai loại ký sinh này là tác nhân cơ hội, thường xuyên hiện diện trên mang và bám ngoài vỏ cua nuôi khi môi trường nuôi bị ô nhiễm và cua bị yếu, ít vận động.
Sở NN-PTNT cho biết, đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở KH-CN phối hợp với sở và các viện nghiên cứu, trường đại học khẩn trương thực hiện nghiên cứu về tình hình cua chết hiện nay nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh (để công bố dịch bệnh theo quy định nếu xét thấy cần thiết) và có cơ sở khoa học cho việc đề xuất các biện pháp phòng ngừa và xử lý một cách hiệu quả.
UBND các huyện chỉ đạo thực hiện khẩn trương việc đăng ký, kê khai sản xuất ban đầu đến người dân có đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định; tuyên truyền hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh và diễn biến môi trường để kịp thời khắc phục, hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người dân.