Theo tư liệu, trong những ngày diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc (cuối năm 1954, đầu năm 1955), má Lê Thị Sảnh (ở kênh Ranh Hạt, Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã trao cây vú sữa cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Đại đội trưởng Đại đội pháo binh 370, Tiểu đoàn 307, để mang ra gửi tặng Bác Hồ. Cây vú sữa được chăm sóc cẩn thận trên con tàu Kilinski tập kết ra miền Bắc.
Ngày 26-1-1955, ông Nguyễn Văn Kỉnh, đại diện đồng bào miền Nam mang cây vú sữa đến tặng Bác Hồ. Bác rất xúc động đem trồng gần nơi làm việc và tự tay chăm sóc hàng ngày. Cây vú sữa trở thành biểu tượng tấm lòng miền Nam đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có giải pháp phát huy hiệu quả giá trị di tích sau khi được xếp hạng. Tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khai thác các giá trị của di tích để phục vụ du lịch, phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển di tích trở thành công trình văn hóa tiêu biểu của huyện Thới Bình, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Dịp này, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đề nghị mỗi địa phương có phương pháp, cách thức triển khai phù hợp, dân chủ, kịp thời, công khai, minh bạch, phát huy tối đa tinh thần: Ai có công góp công, có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Hộ nào đủ điều kiện thì làm trước, ưu tiên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.