Công trình giao thông quan trọng được đầu tư
Thời gian qua, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Năm Căn đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số công trình quan trọng được đầu tư như đường Hồ Chí Minh, đường trục chính Đông – Tây, Bắc – Nam của Khu Kinh tế Năm Căn. Các công trình giao thông đô thị và giao thông nông thôn có bước phát triển. Toàn huyện có khoảng 460km đường và 312 cầu giao thông bộ, trong đó có hơn 60 km và 36 cầu do huyện quản lý. Chất lượng giao thông, vận tải ngày được nậng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.
Dù vậy, ông Trần Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết, do đặc điểm là huyện vùng sâu, vùng xa, xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do nền đất yếu, địa bàn bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch nên suất đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông rất tốn kém, cao gấp nhiều lần so với các địa phương khác. Do vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của huyện Năm Căn vẫn còn những khó khăn nhất định. Một số tuyến giao thông quan trọng, bức xúc như đường về trung tâm các xã, về các khu dân cư tập trung trong huyện và những tuyến đấu nối với các huyện Đầm Dơi, Cái nước đang cần được đầu tư xây dựng. Đặc biệt các tuyến lộ kết hợp với đê ngăn triều cường đang là yêu cầu bức thiết đặc ra đối với huyện.
Xác định phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo tính kết nối và năng lực vận tải cao là một trong những đột phá chiến lược. Vì vậy, Huyện ủy Năm Căn đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 28-8-2021 về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông huyện Năm Căn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua đó, huyện Năm Căn đề ra mục tiêu, giai đoan 2021 – 2025, đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội ô trung tâm thị trấn Năm Căn; chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đã có quy hoạch chi tiết. Đồng thời nâng cấp, mở rộng kết nối với hệ thống giao thông của huyện với các xã. Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống lộ giao thông nông thôn các xã Đất Mới, Lâm Hải, Tam Giang và Tam Giang Đông đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông.
Tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh có giải pháp tách một phần diện tích rừng không hiệu quả để phát triển giao thông. Phấn đấu đến năm 2025, đường giao thông nông thôn cứng hóa đạt 75% trở lên; đặc biệt là các tuyến đường giao thông trục chính, liên xã, chiều rộng cứng hóa mặt đường tối thiểu 4m trở lên, các tuyến đường nội ô thị trấn Năm Căn được chỉnh trang, nâng cấp mở rộng đảm bảo đạt các tiêu chí về giao thông của đô thị loại III…
Nói về giải pháp để đạt các mục tiêu trên, ông Trần Đoàn Hùng thông tin: Trước hết, huyện tập trung công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phát triển hạ tầng giao thông. Trên cơ sở đó triển khai xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo kế hoạch đề ra hằng năm và từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, tích cực khai thác, phát huy các nguồn lực tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư công trình có quy mô lớn, nhất là hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tăng cưòng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Hiện nay, huyện Thới Bình đang tập trung phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới. Dù vậy, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã của huyện Thới Bình đều có xuất phát điểm thấp, xã cao nhất mới đạt 7 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 4 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trước thực tế trên, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị nên các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng nông thôn mới. Qua thời gian thực hiện, đến nay nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, Thới Bình đã tranh thủ, tập trung huy động tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 và huy động nguồn lực trong nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau (bằng vật tư, ca máy, hiến đất, cây cối, hoa màu…) với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn ngày càng được cải thiện.
Ngoài ra, vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng cầu giao thông nông thôn với phương châm “ngân sách huyện đối ứng 30% chi phí xây dựng”. Qua đó, đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong huyện giao thương, trao đổi hàng hóa.
Cũng theo ông Lý Minh Vững, trong thời gian tới, ngoài việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung, xây dựng hạ tầng khu dân cư tập trung; hỗ trợ tín dụng để nhân dân vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công; chính sách đào tạo nguồn nhân lực và những lĩnh vực thiết yếu khác đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: tỉnh ưu tiên thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính tập trung thực hiện công tác hỗ trợ quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư vào các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm của tỉnh như: cảng biển, mở rộng sân bay, phát triển hạ tầng đường bộ, đường thủy… tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; ưu tiên nghiên cứu, phát triển lĩnh vực kinh tế biển; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo; cơ sở hạ tầng về giáo dục, văn hóa du lịch. Bênh cạnh đó, chú trọng phát triển hạ tầng logictics và xây dựng các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics. Tăng cường đầu tư hạ tầng kè sông, kè biển, mạng lưới viễn thông để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào tỉnh. Tỉnh Cà Mau đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đặc biệt quan tâm chỉ đạo giải ngân đối với các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |