Trong đó, các tuyến giao thông nông thôn đã có trên 900 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21km. Ngoài ra, đê biển Tây (đoạn đê Đá Bạc - Kênh Mới) cũng bị sụt lún dù mới đưa vào sử dụng; các tuyến đường cấp tỉnh đã sụt lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc...
Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh vừa tính đến giải pháp đưa nước mặn vào để ngăn chặn tình trạng sụt lún vùng ngọt hóa. Trước khi đưa ra ý tưởng trên, tỉnh Cà Mau đã tổ chức lấy ý kiến người dân trong vùng. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động mời các lãnh đạo bộ ngành Trung ương và các nhà khoa học đến khảo sát, đóng góp về ý tưởng này. Khi địa phương tổ chức lấy ý kiến người dân trên địa bàn 7 xã của huyện Trần Văn Thời thì có gần 82% (86/105) số hộ dân đồng ý với giải pháp này; trong khi đó các nhà khoa học hiện cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đây là cơ sở để tỉnh đề xuất vì ở xã Khánh Hải trước đó bị sụt lún, nhưng từ khi có một lượng nước mặn vào đây thì ngưng sụt lún. “Đó là thực tế để củng cố niềm tin cho giải pháp này. Song chúng tôi sẽ vẫn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; đồng thời tiếp tục mời các chuyên gia khảo sát, đánh giá việc này”, ông Lê Văn Sử nói.