Ông Nguyễn Long Hoai cũng cho biết công tác xử lý khẩn cấp các đoạn sụp lún và có nguy cơ sụp lún từ khu vực Đá Bạc đến Kênh Mới được triển khai kịp thời. Tùy theo khu vực mà lựa chọn giải pháp công trình phù hợp.
Cụ thể, xử lý hộ đê khẩn cấp bằng giải pháp thảm đá bọc PVC và xếp rọ đá phía biển, chiều dài 4.780m với kinh phí 50 tỷ đồng. Xử lý sạt lở bảo vệ đai rừng phòng hộ đê biển Tây bằng giải pháp thả rọ đá, chiều dài 1.960m với kinh phí 8,5 tỷ đồng. Xử lý tạo phản áp khắc phục sạt lở, sụt lún đê bằng giải pháp bơm đất vào kênh mương đê, chiều dài 3.500m với kinh phí 15 tỷ đồng.
Các hạng mục công trình này cơ bản đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Các công trình còn lại đã tập kết đầy đủ vật tư, lực lượng nhân công tiếp tục thực hiện.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết sẽ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Cà Mau xin chủ trương xử lý, khắc phục từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai đối với một số điểm sạt lở, sụp lún trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, cơ sở hạ tầng giao thông huyết mạch. Đồng thời, tiếp tục rà soát, báo cáo, đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí xử lý khắc phục các công trình sạt lở, sụp lún đất trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định dự án/công trình đầu tư công khẩn cấp không phải quyết định chủ trương đầu tư (cơ chế mở). Tuy nhiên, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 quy định công trình phải có quyết định đầu tư (siết chặt lại). Từ đó, việc thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp gặp khó khăn trong thanh toán, tạm ứng. Vì vậy, tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để địa phương thực hiện.