Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở NN-PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán; xác định và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán.
Đồng thời huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án ứng phó hạn hán theo kịch bản. Đặc biệt, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước trong vùng thiên tai.
Ngoài ra, kiểm tra, gia cố, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngăn mặn bảo vệ sản xuất trong vùng thiên tai. Lựa chọn giải pháp và tổ chức triển khai các công trình khẩn cấp theo quy định về tình huống khẩn cấp đối với các dự án/công trình cấp bách ứng phó hạn hán trong vùng thiên tai theo đúng quy định hiện hành.
Còn tại vùng thiên tai, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ” đế ứng phó với hạn hán tại địa phương.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán gây thiệt hại nặng nề tại vùng ngọt hóa: hàng ngàn hecta lúa đông xuân bị thiệt hại, hệ thống kênh mương bị khô cạn, gây sụp lún không chỉ tuyến đường giao thông nông thôn mà cả tuyến đường cấp tỉnh. Hạn hán cũng làm đê biển Tây (đoạn Kênh Mới- Đá Bạc) bị sụp lún nghiêm trọng….