Cà Mau: “Chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Thời gian còn lại trong năm 2024 không còn nhiều, bên cạnh những chủ đầu tư “chạy nước rút” để hoàn thành công tác giải ngân thì cũng có chủ đầu tư khó mà giải ngân hết nguồn vốn được giao.

Cau ganh hao.JPG
Dự án cầu bắc qua sông Gành Hào nối hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu dự kiến sẽ hợp long vào tháng 12-2024

Tất bật thi công cả ban đêm

Những ngày này, tại công trình thi công tuyến đường Đầm Dơi - Thanh Tùng (đoạn từ cầu Thầy Chương đến cầu Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), hàng chục công nhân, kỹ sư đang hối hả thi công để kịp "về đích" trong năm 2024. Đây là dự án nhóm B có tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng (chưa điều chỉnh), được bố trí kế hoạch vốn từ giữa tháng 7-2023 và yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2024 (khoảng 17 tháng), vì vậy áp lực thực hiện và giải ngân rất lớn.

Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, đây là công trình có nguồn vốn lớn nhất do huyện làm chủ đầu tư trong năm 2024. Thời gian qua, có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, theo đó việc thi công lúc ban đầu có chậm tiến độ. “Để công trình kịp về đích trong năm theo đúng kế hoạch, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu tăng tốc để bù tiến độ".

Thi cong ban dem.jpg
Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến đường Đầm Dơi - Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (đoạn từ cầu Thầy Chương đến cầu Thanh Tùng), đơn vị thi công vào cả ban đêm để kịp tiến độ

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, ngay từ đầu năm đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị địa phương liên quan triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ bằng và vượt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19-1-2024. Theo đó, tính đến ngày 30-9, huyện đã giải ngân được hơn 97 tỷ đồng; đạt hơn 96% kế hoạch vốn được giao (thời điểm huyện được bố trí 101 tỷ đồng). Đến ngày 21-10, huyện Thới Bình được bổ sung thêm hơn 65 tỷ đồng nên tỷ lệ giải ngân chung có giảm xuống. Dù vậy, ông Vững cam kết: “Trong thời gian còn lại từ nay đến cuối năm 2024 cũng như hết niên độ giải ngân của năm ngân sách, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao”.

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Văn Hoà cũng thông tin: Dự kiến cuối năm 2024, huyện Phú Tân giải ngân đạt trên 98% kế hoạch vốn giao. “Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân các nguồn vốn, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, thường xuyên kiểm tra ở cơ sở, ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị chuyên đề và khuyến khích khen thưởng đối với những chủ đầu tư thực hiện giải ngân đạt tỷ lệ cao”, ông Hoà chia sẻ.

Benh vien ca mau 1200 giuong benh 2.jpg
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh triển khai chậm

Không sử dụng hết vốn

Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Cà Mau (bao gồm năm 2023 chuyển sang) là 5.234 tỷ đồng. Theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19-1-2024, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư đến hết quý 3-2024 giải ngân ít nhất 75% tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí. Trong đó, các dự án, công trình chuyển tiếp phải giải ngân ít nhất 80% kế hoạch vốn; các dự án, công trình khởi công mới phải giải ngân ít nhất 65% kế hoạch vốn. Đến hết quý 4-2024 (đến ngày 31-1-2025), tất cả các dự án, công trình phải đạt khối lượng hoàn thành tương đương với kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí và phải đảm bảo hoàn thành đầy đủ hồ sơ thanh toán để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 theo niên hạn giải ngân quy định.

Bên cạnh những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao thì cũng có chủ đầu tư giải ngân chậm, nguy cơ đến cuối năm không sử dụng hết kế hoạch vốn đã được bố trí. Đơn cử là Ban Quản lý dự án công trình xây dựng, đến cuối tháng 10-2024, đơn vị được giao kế hoạch vốn 395 tỷ đồng (đã được điều chỉnh giảm 221 tỷ đồng) nhưng chỉ mới giải ngân hơn 26% kế hoạch vốn được giao. Trong số này, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh (đây là công trình trọng điểm, có quy mô vốn lớn nhất trong tất cả các dự án mà tỉnh Cà Mau đang đầu tư) được bố trí vốn 238 tỷ đồng nhưng đến nay khối nhà chính của bệnh viện vẫn chưa thể khởi công được. Vì vậy, dự án này không thể giải ngân hết vốn trong năm nay. Điều đáng nói, năm 2023, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng cũng không giải ngân hết vốn được bố trí. Việc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau triển khai chậm gây bức xúc trong nhân dân. Vì Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau hiện luôn trong tình trạng quá tải, nhiều khoa, phòng đã xuống cấp, bệnh nhân điều trị phải nằm giường đôi.

Liên quan đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thường xuyên chỉ đạo và đôn đốc. Đồng thời cũng lưu ý các chủ đầu tư, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư phấn đấu tỉ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không giải ngân hết vốn thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân.

Tin cùng chuyên mục