Đáng lưu ý, tại nhiều tỉnh, thành phố, số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng rất nhanh do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, cùng với đó, số ca phải nhập viện điều trị và số ca nặng cũng tăng lên.
Qua giám sát của Bộ Y tế cho thấy, dịch SXH vẫn tập trung ở các tỉnh miền Nam với số ca mắc chiếm tới 82% của cả nước, tiếp đó là miền Trung có số ca mắc chiếm 14%, còn lại là các khu vực khác. Tuýp virus lưu hành chủ yếu là D1, D2.
Trước tình hình dịch SXH đang diễn biến phức tạp, để giảm nguy cơ biến chứng nặng, Bộ Y tế khuyến cáo người mắc SXH khi thấy các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của bệnh SXH cần phải tới bệnh viện ngay, gồm: người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn nhiều, đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì; khó thở...
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, để nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong, người mắc SXH nên nghỉ ngơi tại giường, uống đủ nước (> 5 cốc đối với người lớn), uống paracetamol (< 4 gram mỗi ngày đối với người lớn) và chườm ấm.
Cùng với đó, người mắc SXH không nên uống thuốc Aspirin, hay các thuốc chống viêm không Steroid khác và nếu đã uống những thuốc này hãy tới gặp bác sĩ, đồng thời cũng không cần thiết uống kháng sinh. Đối với các cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn về bù dịch và không truyền dịch người mắc SXH khi không có chỉ định.