Tuyên chiến với “giặc cát”
Làng quê ấy chính là Trung Yên (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đường vào làng phải đi qua chiếc cầu phao lót ván “độc đạo” nối tạm sang sông. Những năm trở lại đây, làng quê thanh bình ấy bổng trở nên xáo trộn bởi nạn “sa tặc” hoành hành, chúng ngang nhiên đào múc, “moi” ruột lòng sông khiến con sông Thạch Hãn càng lúc càng phình to do sạt đất, dòng chảy trở nên hung hãn, nuốt hết ruộng đồng, làng mạc, mồ mả…
Lần nào gặp chúng tôi, anh Trương Tùng Lâm, Trưởng thôn Trung Yên, đều cố tình xoáy sâu vào những câu hỏi xung quanh nạn khai thác cát trái phép bao giờ mới chấm dứt? Bởi đã rất nhiều lần, người dân gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng rồi mọi chuyện đâu lại vào đó. Đội quân “sa tặc” tỏ ra lờn mặt, thậm chí quay lại thách thức cả chính quyền.
Mỗi khi vào mùa mưa lũ, nhiều ngôi nhà, vườn tược, mồ mả của người dân ven sông đều bị sạt lở nghiêm trọng, người sống ven sông cứ lui dần về cuối làng mà ở. Trước tình hình cấp thiết ấy, dân làng Trung Yên buộc phải tự thân vận động, dựa vào sức lực của chính mình để chống lại bọn khai thác cát trái phép. Họ chọn ra những trai tráng khỏe mạnh, biết chèo đò và năng nổ để lập thành đội chống “giặc cát”, đại diện cho dân làng ngày đêm gác trực ở bến sông, khi phát hiện tàu hút cát kéo đến là chạy đò ra xua đuổi bằng mọi giá.
Anh Lâm nhớ lại: “Khoảng 10 năm trước, bọn “sa tặc” sử dụng những con đò nhỏ, chủ yếu khai thác cát bằng tay; họ sử dụng cuốc, xuổng, sàn xúc, thau, xô xúc cát lên đò, rồi ngược sông chở cát đi. Còn nay chúng dùng phương tiện và thiết bị hiện đại hơn để khai thác. Để bảo vệ dòng sông, chúng tôi đào hào bên sông rồi nằm phục dưới hào để đuổi đò trộm cát; những đò cát manh động lắm, dân làng nhiều khi phải sử dụng đất đá ném vào chúng và có khi hai bên phải đấu với nhau như có chiến tranh vậy”. Anh Nguyễn Văn Hoành, 48 tuổi (thôn Trung Yên) nói thêm: “Chúng tôi chống lại bọn chúng bằng mọi cách, cũng chẳng cần quyền lợi hay cấp phát gì, tất cả đều tự nguyện hết, đội trưởng mà báo động một cái là cả làng cùng đổ ra bờ sông, bất kể đêm khuya hay mưa gió, trong nhà có gì là mang ra bến sông để xua đuổi chúng”.
Ngăn chặn bằng… facebook
Ngồi đối diện chúng tôi là chàng trai trẻ có nước da đen đậm, vóc người săn chắc, nhanh nhẹn, hoạt bát. Mỗi câu nói của anh đều toát ra một tình cảm chân thành, đầy trách nhiệm với ngôi làng nơi anh đang sống. Anh là Trương Quốc Bổn (30 tuổi, Bí thư chi đoàn thôn Trung Yên) và cũng là đội trưởng đội chống “sa tặc” của làng hiện nay. Theo anh Bổn, ngày nay đội chống “sa tặc” của làng đã văn minh hơn nhiều, nghĩa là chỉ ngăn cản xua đuổi chứ không “giáp lá cà” bằng cuốc, xuổng, gậy gộc… như ngày trước nữa. Đặc biệt, hôm nay đội đã lập một trang facebook riêng mang tiêu đề “Trung Yên thôn”, hoạt động công khai, ai cũng có thể tham gia; trong đó chủ yếu là người trẻ trong làng và các con, em đang làm ăn xa quê… Đáng chú ý, trang facebook này còn dành riêng một góc để các thành viên trong đội liên lạc với nhau hay cùng nhau đưa ra những bằng chứng để kêu gọi cộng đồng chung tay chống “giặc cát”.
Trên trang facebook, những động thái mới nhất của các tàu khai thác cát trái phép ở sông Thạch Hãn đều được các thành viên trẻ trong thôn theo dõi, ghi hình, quay clip bằng smartphone rồi đăng tải lên để làm bằng chứng tố cáo bọn chúng. Đặc biệt, vào mùa xây dựng chúng hoạt động với cường độ cao, nên trang facebook “Trung Yên thôn” dày đặt những dòng chia sẻ, bức xúc kèm theo hình ảnh mới nhất về hoạt động hút cát trộm. “Hiệu quả lắm mấy anh à! Đăng lên facebook như vậy thì cộng đồng và các cơ quan đài báo cùng vào cuộc; rồi chính quyền, lực lượng chức năng cũng khẩn trương ra quân dẹp nạn khai thác cát trái phép”, anh Bổn chia sẻ.
Khi chính quyền và cơ quan chức năng tỏ ra thụ động trước nạn khai thác cát trái phép thì cách làm của cộng đồng thôn Trung Yên cần được tán dương và nhân rộng để kêu gọi tinh thần chống “sa tặc” ngay trong những xóm làng và trong mỗi người dân.