Hành trình sẻ chia
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Âm nhạc TPHCM đã quan tâm hỗ trợ đầu tư tác phẩm với mỗi năm 15 ca khúc thiếu nhi và 15 ca khúc tuổi hồng. Ca khúc thiếu nhi được các nhạc sĩ sáng tác theo chủ đề từng năm, gắn với các sự kiện của TPHCM và cả nước, có lúc là chủ đề Em yêu làn điệu dân ca, hay hướng đến đề tài Thiếu nhi làm theo lời Bác... Có khi đề tài cũng mở rộng để nhạc sĩ viết theo đúng tâm tư, nhu cầu của thiếu nhi.
Trong các chuyến đi thực tế, hội cũng chú ý hướng đến đối tượng sáng tác là thiếu nhi. Đã có những chuyến giao lưu và tặng quà cho các em của Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An, tặng 20 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) cho học sinh nghèo hiếu học ở tỉnh Bạc Liêu, thăm Mái ấm Hoa Mai ở TP Cần Thơ, tặng quà cho các em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An, các em thiếu nhi ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long...
Đây là dịp để nhạc sĩ tiếp cận với nhiều cung bậc, sắc màu của đời sống xã hội, đến gần hơn với suy nghĩ của trẻ em; mở rộng tấm lòng, cùng sẻ chia với bao mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Hành trình sẻ chia và tìm kiếm những giá trị tinh thần quý giá đã ít nhiều giúp các nhạc sĩ có được những giờ phút lắng lòng, cảm nhận và phát hiện thêm những chất liệu mới rất riêng cho bản thân để ấp ủ và sáng tạo âm nhạc.
Tư liệu quý giá ấy chính là sự cảm nhận rất thật những khó khăn của các em thiếu nhi, những mơ ước trẻ thơ hồn nhiên, khoảnh khắc tình bạn vui tươi, nhu cầu của các em với sân chơi âm nhạc... để từ đó các nhạc sĩ tư duy nên các ý tưởng, viết các tác phẩm.
Sau mỗi đợt sáng tác, các chi hội tự tìm tác phẩm tốt để giới thiệu lên hội đồng thẩm định nghệ thuật để chọn tác phẩm hay đầu tư. Khi tác phẩm được hỗ trợ đầu tư, tác giả được nhận khoản phí 15 triệu đồng để thực hiện luôn phần nhạc audio chất lượng. Giải thưởng hàng năm của hội cũng dành riêng một chuyên mục giải thưởng dành cho ca khúc thiếu nhi để động viên nhạc sĩ tìm tòi sáng tạo.
Đẩy mạnh quảng bá
Đến thời điểm này, Hội Âm nhạc TPHCM vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những tác phẩm hay, bổ sung vào danh sách các ca khúc thiếu nhi chất lượng để quảng bá rộng rãi hơn trong đời sống văn hóa. Tuy nhiên, thường thì một tác phẩm có giá trị nghệ thuật muốn khẳng định trước công chúng, được công chúng yêu thích, đi vào lòng người nghe thì thời gian sống của tác phẩm phải từ 4 - 5 năm, hoặc lâu hơn. Điều này đòi hỏi cần có thêm thời gian vì công tác quảng bá tác phẩm mới đến với thiếu nhi hãy còn nhiều khó khăn; dù rằng, mỗi năm hội cũng năng động tổ chức 4 chương trình âm nhạc thiếu nhi, giới thiệu tác phẩm mới tại Nhà hát Bến Thành, Cung Văn hóa Lao động TPHCM, hay Sân khấu Dế Mèn ở Công viên Văn hóa Đầm Sen...
Ngoài ra, sau thành công của hội thảo âm nhạc thiếu nhi do hội phối hợp cùng Nhà Thiếu nhi (NTN) TPHCM tổ chức, các bạn trẻ văn phòng hội đã năng động đưa ra ý tưởng thực hiện Thư viện âm nhạc trên kênh YouTube từ đầu năm 2019 và đến tháng 5-2019 đã hoàn thành, đón nhận được sự ủng hộ từ nhiều trường học, đơn vị NTN quận huyện.
Trong Thư viện âm nhạc có chuyên mục âm nhạc thiếu nhi gồm hơn 200 ca khúc tuổi hồng và ca khúc thiếu nhi mới, nhạc có lời và nhạc không lời (nhạc nền), được sử dụng miễn phí, để tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân, thiếu nhi không có điều kiện làm nhạc có sẵn nhạc chất lượng để sử dụng. Trên thị trường, một bản nhạc nền hiện nay được hòa âm phối khí hoàn chỉnh cũng có giá ít nhất 1.500.000 đồng/bài. Một chương trình chừng 5 - 7 bài thì khoản chi phí dành cho phần nhạc nền là quá cao đối với các đơn vị hoạt động thiếu nhi.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc TPHCM, NS Nguyễn Quang Vinh, chia sẻ: “Chúng tôi rất trăn trở về việc đẩy mạnh công tác quảng bá các tác phẩm mới, chất lượng của hội viên. Đây cũng là cách tạo đầu ra cho các tác phẩm, động viên tinh thần và thúc đẩy tư duy sáng tạo nhiệt thành của các tác giả, nhạc sĩ. Để tác phẩm gần gũi với trẻ thơ hơn nữa, trong thời gian tới, hội sẽ lên kế hoạch tổ chức những buổi gặp gỡ với các đối tượng thiếu nhi để lắng nghe ý kiến, tâm tư, ước muốn, nhu cầu của các em đối với vấn đề âm nhạc giải trí”.
Hội cũng sẽ phối hợp với Hội đồng Đội TPHCM triển khai rộng rãi hơn các ca khúc thiếu nhi mới đến với các trường học, đơn vị NTN... và thực hiện, phát hành khoảng 1.500 cuốn “100 ca khúc thiếu nhi” để tặng các trường mẫu giáo, tiểu học, các NTN, TTVH quận huyện, tặng NTN các tỉnh thành, biên tập thiếu nhi các đài truyền hình...
“Nên có một người lãnh đạo, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án âm nhạc, văn hóa nghệ thuật nói chung, dành riêng cho thiếu nhi. Cũng cần có một chương trình đặc biệt dành cho thiếu nhi trên truyền hình, phát sóng vào một khung giờ hợp lý cho trẻ em. Ngày xưa ít kênh, ít đài nhưng chúng ta vẫn làm được một số chương trình thiếu nhi hấp dẫn, ý nghĩa. Bây giờ thì đài nhiều, kênh vô số nhưng vẫn thiếu vắng những chương trình thiếu nhi chất lượng, có giờ phát sóng hợp lý. Ngay với phụ huynh cũng cần định hướng cho các em nên thưởng thức các bài hát như thế nào cho phù hợp lứa tuổi. Như vậy, rất cần thiết phải có sự bắt tay làm đồng bộ, thúc đẩy đồng bộ cho sự phát triển và lan tỏa những ca khúc thiếu nhi mới, ý nghĩa, chất lượng, đậm chất đời sống hiện đại hôm nay”. - NS Nguyễn Quang Vinh tâm tư. |