Sự hào sảng ấy đã tạo nên một xứ sở “trên cơm dưới cá” và con cá linh cũng từ đó trở thành “linh ngư”, là hồn cốt mùa nước nổi, là niềm tự hào, là vốn sinh nhai, là ký ức và văn hóa của đất và người miền Tây hồn hậu, nghĩa tình.
Mỗi năm, tại “bãi đẻ” ở Biển Hồ Tonlé Sap (Campuchia), những bầy trứng cá linh trôi theo dòng Mê Công về xuôi. Trứng vừa trôi vừa nở, khi đến được sông Cửu Long thì đã thành những bầy cá con li ti bơi xuôi theo dòng phù sa nước đổ. Cá lớn dần theo quá trình “du mục”, rồi len lỏi vào khắp các kinh rạch ruộng đồng để ăn rơm rạ mục và cặn bã ruộng đồng sau mùa thu hoạch.
Với những cư dân đồng nước miền Tây, ngoài cây lúa thì con cá đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống. Muốn dựng vợ gả chồng, cất nhà hay mua sắm đồ đạc mới, đều đợi đến mùa gặt lúa và mùa cá ra sông. Bởi chỉ ở hai mùa đó, người ta mới thu hoạch được thành quả và mớ thành quả ấy là thứ nuôi sống cả gia đình trong suốt một năm trời. Mùa cá ra sông ở miền Tây, hơn một nửa là cá linh. Khi cá linh “lên rào” cũng là lúc người ta bắt đầu mùa thu hoạch cá. Người xưa không quá bận tâm, bởi cá linh thuở ấy nhiều vô kể, họ không tính toán chi li, tính cá thì tính bằng giạ (dụng cụ để đong lúa).
Mỗi lứa cá linh (phụ thuộc vào độ lớn nhỏ theo thời gian), người miền Tây sẽ có những cách chế biến phù hợp, để rồi hàng loạt món ăn ra đời, hết sức phong phú và đa dạng. Đến lứa cuối cùng, khi cá đã lớn, xương to thì người miền Tây ủ mắm cá linh để trữ ăn quanh năm. Nước mắm và mắm cá linh đặc trưng ở chỗ mang đậm hương vị phù sa và được xem là “đệ nhất” trong vương quốc mắm ở miền sông nước.
Thuở xưa, khi chưa có điện, người ta nấu mỡ cá linh làm dầu thắp sáng. Để khi những đứa trẻ năm xưa, giờ thành ông bà cha mẹ, vẫn không sao quên được mùi dầu đốt và cái ánh sáng vàng đẹp đẽ nên thơ của đèn cá linh. Ánh sáng ấy dường như vẫn mãi soi sáng khung trời ký ức đậm đà của một thế hệ sống cùng sông nước, cùng con cá linh bầu bạn biết bao câu chuyện bên đời.
Dân gian truyền rằng, cá linh rất “linh tính”, cứ đến mùng 10 tháng 10 âm lịch, khi con nước dần vơi, là lúc thời hạn rong chơi của cá linh bắt đầu kết thúc. Đó là lúc ruộng đồng đã được dọn sạch, phù sa nước nổi lắng đọng mỡ màu, con nước nổi bắt đầu rút dần, trả lại mặt ruộng phì nhiêu cho mùa gieo sạ tới. Con cá linh bắt đầu tạm biệt ruộng đồng, quay đầu hướng về miền cố thổ Biển Hồ. Chúng ngược dòng bơi về lại cội nguồn “bãi đẻ”. Khi đi, cá linh vẫn không quên “dúi lại” người dân miền Tây lời thề nguyện hẹn hò, năm sau sẽ quay trở lại. Và dường như từ thuở Mê Công chảy vào đất Việt đến nay, cá linh chưa bao giờ thất hẹn. Phải chăng vì vậy mà trong tâm thức của những người dân đồng bằng, con cá linh luôn hiện diện trong ký ức như loài “linh ngư” sông nước Cửu Long.
Cá linh trở thành hồn cốt của ký ức về miền sông nước với biết bao điều nên thơ. Để rồi có đứa con xa quê, nhìn mớ cá linh bơi trong bể nước nhà hàng, chợt bao nhiêu ký ức ùa về, chợt nghe xa xăm vọng lại lời ru của mẹ năm nào: Con cá không thờ sao gọi cá linh?