Ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, tại một số khu vực tại đường Lạc Long Quân, Trích Sài, Nguyễn Đình Thi còn khá nhiều điểm có cá chết bị sóng đánh trôi sát vào bờ kè và đang phân hủy, bốc mùi hôi thối. Cùng với đó, một số khu vực miếng cống thoát nước ra hồ, lượng cá chết dạt vào lẫn với rác thải sinh hoạt còn khá nhiều dù lực lượng chức năng đã thường xuyên thực hiện việc vớt cá chết để đưa đi tiêu hủy. Cá chết đa phần là rô phi, trôi, mè và chép, trong đó có khá nhiều cá to từ 3-5 kg/con cũng chết nổi trên mặt nước.
Hiện tượng cá chết nổi trắng Hồ Tây suốt thời gian dài qua không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, mỹ quan đô thị mà cuộc sống nhiều hộ dân xung quanh Hồ Tây, nhất là trên tuyến đường Trích Sài và Nguyễn Đình Thi bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hộ kinh doanh hàng ăn, cafe giải khát tại đường Trích Sài cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng khách sụt giảm đáng kể vì cá chết bốc mùi hôi thối, tanh tưởi nồng nặc khiến nhiều người ngại tới đây ăn uống, vui chơi. Cá chết nhiều và kéo dài cũng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh hồ. Tại nhiều vườn hoa sát bờ Hồ Tây nếu trước đây vào mỗi sáng sớm hay buổi chiều có khá đông người tới vui chơi, tập thể dục thì giờ cũng vắng vẻ hơn do không chịu được mùi cá chết.
Trước hiện tượng trên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, theo kết quả kiểm tra mới đây nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, lượng DO (thông số oxy hòa tan trong nước) trong nước Hồ Tây ở mức trên 4, đây là mức DO đảm bảo nên cá không thể chết. Như vậy, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do thời tiết, lượng cá dưới hồ dày đặc. Cùng với đó, việc nhiều hội nhóm ở Hà Nội và một số vùng lân cận thường xuyên đến Hồ Tây thả cá phóng sinh và loại cá này khi xuống nước không phù hợp môi trường, bị sốc nước nên cùng bị chết.
Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng cá chết ở Hồ Tây thông qua sự hướng dẫn của Sở NN-PTNT Hà Nội về phương án đánh tỉa giảm mật độ cá trong hồ bằng phương pháp sử dụng lưới vét. Định kỳ 6 tháng, sẽ triển khai đánh tỉa tất cả cá rô phi, các loài xâm hại và loài cá không thuộc loài quý hiếm cỡ lớn ra khỏi hồ. Cá được loại bỏ sẽ được xử lý như làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón. Đồng thời, quận cũng chủ động phối hợp cùng Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam để được hướng dẫn biện pháp xử lý tảo nổi diện rộng trên mặt hồ khi thời tiết giao mùa là nguyên nhân chính gây thiếu oxy cho cá. Cùng với đó phối hợp với Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội tăng cường nhân lực và phương tiện hàng ngày để vớt cá chết, đảm bảo vệ sinh môi trường.