Vào chiều ngày 18-4, ngư dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã tiến hành nghi lễ chôn cất cá hố dài hơn 4m, nặng khoảng 15kg, theo tục ngư dân ven biển, cá này gọi là cá “Ông Hố”. Cá Ông Hố được phát hiện khi trôi dạt vào bờ biển xã Bình Hải.
Theo quan niệm, tín ngưỡng ngư dân biển, cá Ông Hố, cá Ông Mực, Cá Ông Nhồng…là bộ hạ của Đại tướng quân Nam Hải (Cá Ông, Cá Voi). Vì vậy, khi chết lụy vào bờ sẽ được chôn cất theo nghi lễ an táng ông Nam Hải, hài cốt sau đó sẽ đem thờ trong lăng Vạn.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, đây là cá mái chèo có tên khoa học là Regalecus Glesne- vua cá trích, hoặc là Oarfish Thái Bình Dương, một số vùng biển theo chiêm nghiệm gọi là cá động đất.
Cá này sống ở đại dương, kéo dài từ phía Bắc tới 720N và ở phía Nam tới tới 520S, nhưng phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới đến vĩ độ trung bình, nó sống ở độ sâu 1.000m (3.300ft) bên dưới bề mặt đại dương. Loài này là loài cá xương dài nhất thế giới, đạt chiều dài kỷ lục 8m (26ft), tuy nhiên mẫu vật chưa được xác nhận lên đến 11m (36ft) và 17m (56ft) đã được báo cáo. Nó thường được đo đến 3m (9,8ft) trong tổng chiều dài. Oarfish Thái Bình Dương được các cư dân biển xem là ngư thần.
Cá Ông Hố ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải có khả năng chết ở ngoài khơi trôi dạt vào, đây có thể là cá Oarfish Thái Bình Dương khổng lồ.
Hồi năm 1996, các thực tập sinh của Hải quân Hoa Kỳ đã trưng bày một con Oarfish khổng lồ dài 7m (23ft) được phát hiện bởi người hướng dẫn của họ trên bãi biển của Căn cứ đổ bộ Hải quân Coronado.