Trước đó, vào cuối tháng 1-2004, các bác sĩ Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia y tế Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia Nhật Bản... đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cho bé Nguyễn Thị Diệp (9 tuổi) với nguồn gan được hiến từ bố của bệnh nhân (anh Nguyễn Quốc Phòng).
Sau ca ghép gan lịch sử kéo dài hơn 15 giờ, sức khỏe của Diệp dần ổn định và ngày càng tiến triển. Diệp đã quay trở lại với cuộc sống bình thường. Sau khi học hết cấp 3, Diệp thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quân y 1 ở Sơn Tây, Hà Nội. Khi ra trường, cô được nhận vào làm việc tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103.
Tuy nhiên vào cuối năm 2019, sức khỏe của Diệp trở nên xấu đi, cô liên tục mệt mỏi, sút cân, tăng men gan và bị xơ gan nặng. Khoảng 5 giờ sáng 28-11, Diệp được chuyển vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Quân y 103). Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng do Diệp bị xơ gan nặng, dẫn tới xuất huyết nhiều cơ quan nội tạng, máu chảy không cầm, phải thở máy, tính mạng nguy kịch nên gia đình đã xin đưa Diệp về nhà và đến rạng sáng 29-11, Diệp đã qua đời.
Theo PGS-TS Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và chống độc, đây là trường hợp ghép gan có kết quả dài nhất ở Việt Nam tính đến nay.