“Những lời Bác dạy, từng cử chỉ, hành động nhẹ nhàng, âu yếm của Bác với chúng tôi khi ấy chính là hành trang, động lực để tôi phấn đấu học tập, công tác và cống hiến cho xã hội”, ông Quán bày tỏ.
Ông Quán vẫn nhớ như in buổi sáng mùng 1 Tết năm 1961, khi ấy ông còn là đứa trẻ hơn 10 tuổi. Cũng chính lần được gặp Bác Hồ này đã in đậm trong lòng ông về hình ảnh một vị Chủ tịch nước, một người cha vô cùng nhân hậu.
“Bác đến và đi vào thăm khu tập thể, nơi ngủ, nghỉ của công nhân. Rồi Bác qua nhà ăn để xem khẩu phần ăn của mọi người thế nào. Khi đi từ khu tập thể qua nhà ăn, Bác phải đi qua một cây cầu ván chông chênh bắt tạm qua con kênh. Tôi thấy các cô chú lo lắng vì sợ Bác rơi xuống kênh. Khi qua được bờ bên kia, Bác ôn tồn nói: Bác lớn thế này mà mọi người còn lo Bác ngã, vậy con em của công nhân hàng ngày phải qua lấy cơm thì sao? Các cháu ấy còn nhỏ, cây cầu lại tạm bợ thế này, thật là nguy hiểm”, ông Quán kể.
Vậy là ngay hôm ấy, ông Quán thấy các bác, các chú bắt tay vào đóng một cây cầu mới, chắc chắn hơn và có cả tay vịn. Buổi sáng hôm ấy, nhờ đi theo dòng người tiếp Bác, ông Quán còn được chứng kiến câu chuyện Bác hỏi một người ăn mặc đẹp với áo sơ mi, quần tây rất mới: “Chú làm ở bộ phận nào?”.
“Thưa, cháu là trưởng phòng tài vụ”. Bác nhẹ nhàng bảo: “Chú làm tài vụ nên ăn mặc cũng đẹp hơn công nhân. Nhưng Bác bảo này, nếu chú làm được thế nào mà công nhân có quần áo đẹp, được ăn ngon hơn mình thì lại càng hay hơn”.
“Sau này, khi lớn lên, giữ vị trí bác sĩ trưởng khoa, quản lý nhiều nhân viên, chăm lo nhiều bệnh nhân, tôi càng thấm hơn lời dạy của Bác với vị trưởng phòng tài vụ. Cũng nhờ lời dạy ấy, tôi biết mình phải làm gì để xứng đáng được cấp dưới, được nhân dân tôn trọng”, ông Quán chia sẻ.
Lần giở những kỷ vật còn lưu giữ về Bác, ông Quán cho chúng tôi xem tấm hình mà ông gìn giữ bấy lâu nay. Sau gần 50 năm, khi mái đầu đã bạc, ông Quán vẫn nhớ rất tỉ mỉ lần được ngồi trong lòng Bác Hồ.
Trong hình, rất nhiều thiếu nhi đang ngồi quanh Bác, nhưng chỉ mỗi cậu bé Quán được đeo khăn quàng.
“Vì khi ấy có tôi và một bạn thiếu nhi Trung Quốc cùng quàng khăn cho Bác. Bác đã cởi một chiếc khăn và ân cần quàng lại cho tôi. Có lẽ do tôi là thiếu nhi nhỏ nhất nên Bác đã kéo tôi lại để ngồi vào lòng mình khi chụp tấm ảnh kỷ niệm này”, niềm vui đong đầy trong mắt khi ông Quán nhắc về kỷ niệm quý báu.
Với cậu bé con liệt sĩ, nhà nghèo nhưng học giỏi Đinh Thế Quán ngày ấy, kỷ vật Bác tặng cùng lời dặn: “Cháu phải cố gắng học giỏi, rèn luyện đạo đức để sau này lớn lên xây dựng nước nhà” chính là hành trang giúp bản thân phấn đấu, cống hiến mỗi ngày.
Và lần ông được gặp Bác nhưng không trực tiếp trò chuyện là dịp ông cùng mẹ dạo chơi trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Gặp Bác Hồ, mẹ ông chạy đến chào. Hình ảnh Bác râu tóc bạc phơ ngồi bên bậc cửa Văn Miếu trò chuyện cùng người nữ công nhân giúp ông Quán thấy được sự giản dị, gần gũi dân của người đứng đầu đất nước.
“Tất cả kỷ niệm trong những lần được gặp Bác, cùng những lời dạy thiêng liêng của Người đã dẫn dắt cuộc đời tôi trở thành người lính, người bác sĩ có ích cho xã hội. Đến nay, tôi vẫn thầm cảm ơn hình ảnh giản dị của Bác. Đó là hành trang quý giá tôi ghi tạc và học tập trong suốt cuộc đời mình”, ông Quán tâm sự.