Giáo dục cán bộ, đảng viên
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nguyên nhân gốc rễ mọi hành vi tham nhũng tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong quá trình giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý chính là sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi những trách nhiệm và bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân.
Đây là khởi nguồn cho những sai phạm của cán bộ, đảng viên, bởi phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống chuẩn mực một khi đã bị suy thoái sẽ kéo theo tất cả tiêu cực về hành vi, việc làm. Trong đó, nguy hiểm khôn lường là cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
“Cả cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí đã hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, là hình mẫu một chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung”, TS Hồ Ngọc Đăng (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM) nhấn mạnh.
Sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ góp phần vào xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên là biện pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư đã luận giải về việc mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên tự soi, tự sửa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết góp phần quan trọng vào việc nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Từng bước ngăn chặn, khắc phục và đẩy lùi được những sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Từ đó tác động tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề cao sự tự giác, nêu gương
Từ lý luận và thực tiễn cho thấy rằng, việc cán bộ, đảng viên ý thức tự giác và nêu gương xuất phát từ chính quá trình nhận thức của bản thân về tính tiên phong của đảng viên cộng sản với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Khi mỗi cán bộ, đảng viên không đủ niềm tin, bản lĩnh chính trị, tư tưởng thì sẽ không thể vượt qua bản thân trước những cám dỗ, tác động tiêu cực từ quyền lực, địa vị xã hội... Từ đó bị tha hóa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức Đảng, của gia đình.
Việc tự soi, tự sửa thực chất chính là việc tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của Đảng, là quy luật cho sự phát triển của tổ chức Đảng.
Điều quan trọng trong nêu gương chính là tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong trong việc tự soi, tự sửa là ở chỗ tự mình phát hiện những sai phạm, hạn chế và chủ động tự khắc phục, sửa chữa.
Từ đó, chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, xác định những biện pháp để phòng ngừa. Nói cách khác, cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa để tự “chẩn đoán bệnh”, lựa chọn “thuốc” phù hợp để tự “điều trị”, tự cứu mình để sống có tự trọng, có liêm sỉ.
Với tinh thần tự giác cao độ, tự soi, tự sửa đề cao tinh thần tự giác của người đảng viên, bằng sự chính trực mà có thể dũng cảm, cầu thị, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm và dám sửa chữa, khắc phục với những biểu hiện tiêu cực xuất hiện.
Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định và bản lĩnh vượt qua được chính mình nếu không rất dễ rơi vào quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân.
Đề cao việc tự soi, tự sửa
Tổng Bí thư xác định việc tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ và cũng là giải pháp cốt lõi, cơ bản để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, chắc chắn, bền vững.
Tự soi, tự sửa là biện pháp hữu hiệu để giữ vững uy tín của cá nhân và thể hiện trách nhiệm giữ gìn uy tín của tổ chức Đảng trước Nhân dân. Tổng Bí thư đã chỉ ra rất sâu sắc về uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là khi cá nhân đảng viên đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong đó, điểm nổi bật nhất để hình thành nên uy tín là hành vi cụ thể thể hiện sự nêu gương chuẩn mực về hành vi đạo đức, chuẩn mực trong việc làm, đặc biệt là sự tuân thủ tuyệt đối các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, qua đó tận tụy với tập thể và cộng đồng.
Cho nên muốn giữ uy tín thì phải thường xuyên tự soi mình hằng ngày về hành vi, việc làm với các chuẩn mực, giá trị để từ đó có biện pháp hạn chế, khắc phục, tự sửa mình hàng ngày.
Đó cũng chính là thực tế cuộc sống đời thường, đồng chí Tổng Bí thư luôn sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành, xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thật sự là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo.
“Những đúc rút tổng kết từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hơn 10 năm qua đã được Tổng Bí thư hệ thống hóa thành các quan điểm lý luận soi đường chỉ dẫn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục công cuộc đấu tranh quyết liệt hơn, mạnh mẽ và đầy niềm tin tưởng hơn vào vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”, TS Hồ Ngọc Đăng nhấn mạnh.