Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, cho biết: “Ngoài những bài thơ, tôi tập trung cho việc viết bài vọng cổ, vì tôi nghĩ rằng bài ca tiếng hát dễ đi vào lòng người hơn ở xứ sở đam mê cải lương này”.
Với nguồn cảm hứng đó, 26 bài vọng cổ đã được nhà văn Nguyễn Trung Nguyên viết gói gọn trong 1 tháng, như: Bàn thờ cha giữa Sài Gòn giãn cách, Chiều trên chốt kiểm dịch, Những nữ điều dưỡng thiên thần, Mùa thương…
Anh chia sẻ: “Những hình ảnh, con người, sự kiện đổ ập vào tâm trí. Em bé mười ngày tuổi trong vòng tay cha mẹ, đứa trẻ ba tuổi một mình trong khu cách ly, những y bác sĩ ngất xỉu vì cường độ làm việc nặng nhọc… gợi nên những cảm xúc dữ dội trong lòng mỗi một con người bình thường, chứ đừng nói trái tim mẫn cảm của văn nghệ sĩ”.
Như bài ca cổ Chiều trên chốt kiểm dịch, nhà văn Nguyễn Trung Nguyên gửi tặng các em sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tình nguyện tham gia phòng chống Covid-19. Lời bài vọng cổ như chạm đến trái tim, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu lắng, pha chút chất trữ tình lãng mạn: “Chiều xuống lâu rồi các em vẫn đứng đây, màu áo xanh rực sáng trong màu hoàng hôn bảng lảng. Giữ vững niềm tin ngày mai hết dịch, đêm tối qua đi bình minh lại rực hồng…”.
Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Phú, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) gửi gắm xúc cảm qua 5 bài ca cổ, 1 bài dân ca: “Cho dù mưa nắng hay đêm ngày, lòng không nao núng quyết chí đồng tâm, gác lại nỗi đau hạnh phúc của riêng mình, chiến đấu kiên cường không một phút nghỉ ngơi, dù bao vất vả gian lao, vẫn một lòng vì nước vì dân…”.
Theo nhà văn Nguyễn Trung Nguyên, anh ghi lại những câu chuyện cảm động bằng lời ca tiếng hát, đồng thời chuyển tải thêm thông điệp kêu gọi mọi người chung tay chống dịch. Trong đó, bài Tình đồng hương, nghĩa đồng bào (viết chung với nhà báo Vũ Phương) đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau phát sóng; đặc biệt bài Người lính mặc áo màu xanh lá mạ viết về sự hy sinh của thiếu tá Lê Huỳnh Nhật Minh, là công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) mắc Covid-19 và mất sau khi tham gia truy vết dịch, đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh giới thiệu trong một phóng sự riêng.
Ông Nguyễn Thanh Phú, cho biết: “Bằng tấm lòng, anh em nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô tận dụng những thiết bị sẵn có để tự tổ chức thu âm, dựng hình, dù không đạt được chất lượng như mong muốn, nhưng góp phần tuyên truyền và tạo được hiệu ứng tích cực”.
Theo ông Phú, trong mùa dịch này, anh em nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô đã sáng tác, thu âm, dựng hình được 7-8 ca khúc trong điều kiện khó khăn. Hiện những file thu âm đã được tuyên truyền trên mạng xã hội, nhiều tiết mục được đông đảo công chúng quan tâm, thu hút cả ngàn lượt xem từ khán giả.