Trước đó, từ đêm 31-3 đến sáng ngày 1-4 trên sông Mã đoạn qua thị trấn Cành Nàng và các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Điền Lư, Ban Công,… (huyện Bá Thước) đã xảy ra hiện tượng cá nuôi trong lồng bè bị chết hàng loạt. Qua thống kê có 68 hộ nuôi bị thiệt hại với tổng số cá chết là hơn 8 tấn.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu cá, mẫu nước để làm rõ nguyên nhân.
Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 3 cho thấy, 2 mẫu cá đều âm tính với bệnh Koi Herpesvirus (KHV) và bệnh xuất huyết mùa xuân (SVC). Mẫu nước sông lấy tại xã Thiết Ống và xã Điền Lư các chỉ tiêu PH, amoni, nitrit, phốt phát, sulfua, tổng chất rắn lơ lửng đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp so với ngưỡng cho phép; TDS, BOD5, COD, P tổng, N tổng đều cao, trong đó các chỉ tiêu BOD5, COD cao vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép.
Từ kiểm tra thực tế và các kết quả xét nghiệm chỉ tiêu BOD5, COD cao cho thấy, chất lượng nước không bảo đảm đã ảnh hưởng đến các loài động vật thủy sản trên sông.
Như vậy, cá chết trên sông Mã không phải do các bệnh truyền nhiễm mà do tác động của các yếu tố môi trường gây ra.
Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Mã, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động 4 cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã trên địa bàn huyện Quan Hóa và Bá Thước.