Ghi nhận vào sáng và trưa 4-5, tình trạng cá chết ở hồ sinh thái Bàu Sen vẫn tiếp tục. Quanh các khu vực bờ hồ thuộc tổ 46 và tổ 47 (khu vực 7, phường Lê Hồng Phong) hàng loạt cá từ 0,2 đến 2kg nổi bụng chết nằm rải rác khắp mặt hồ.
>>>Clip ghi nhận tại hiện trường:
Nhiều góc bờ hồ cá chết dạt vào trương phình bắt đầu phát sinh mùi hôi tanh. Một số nhân viên môi trường của TP Quy Nhơn được huy động để vớt dọn cá chết, nhưng do số lượng cá chết quá nhiều nên không vớt kịp.
Một số người dân ở tổ 46 cho biết, từ chiều 3-5 cá ở hồ Bàu Sen bắt đầu nổi lên kín mặt hồ để ngáp. Sau đó, cá chìm xuống và đến đêm tối chết nổi bụng lên mặt hồ.
Theo người dân địa phương, suốt cả tháng qua địa bàn xảy ra nắng nóng kéo dài, vài ngày trở lại đây khí hậu có thay đổi. "Có thể do thời tiết biến đổi nhanh trong nắng nóng nên cá bị sốc nhiệt, thiếu oxy nên chết hàng loạt. Nhiều năm trước, mỗi mùa nắng nóng từng xảy ra các đợt cá chết ở hồ điều hòa Bàu Sen", người dân địa phương thông tin thêm.
Tuy nhiên, năm nay số lượng cá chết quá nhiều, trên 90% số lượng cá ở hồ Bàu Sen bị thiệt hại. Một số người dân lo ngại, nếu không kịp thời vớt đi thì số cá phân hủy khiến cho hồ bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối...
Theo ghi nhận, ngoài số cá chết nổi bụng trắng xóa, hàng loạt cá còn sống ở hồ Bàu Sen cũng đang nổi lên bơi lờ đờ, nguy cơ chết rất cao. Ngoài cá rô phi, nhiều người dân phát hiện cá chép trọng lượng lớn từ 3 đến 3,5kg cũng chết nhiều.
Trong ngày 4-5, chính quyền địa phương đã cử các lực lượng chuyên môn đến kiểm tra hiện trường để lấy mẫu làm rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý môi trường sau sự cố cá chết.
Hồ sinh thái Bàu Sen có diện tích 3ha, được cải tạo nâng cấp từ năm 2010 nhằm đảm bảo điều tiết, tiêu thoát nước cho khu vực. Ngoài ra, hồ đảm nhận vai trò điều hòa sinh thái, tạo cảnh quan cho đô thị Quy Nhơn vào nắng nóng.
Giai đoạn cuối năm 2022 đến 2023, địa phương tiếp tục bổ sung vốn 3,8 tỷ đồng để nạo vét bùn, cải tạo lại lòng hồ chống bốc mùi, ô nhiễm.
>>>Hình ảnh PV Báo SGGP ghi nhận tại hiện trường: