5 quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ Công thương được giao hiện đều chưa được phê duyệt
Ngày 2-3, báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2107/QH14, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5-2-2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Bộ Công thương đã bãi bỏ 27 quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 3 quy hoạch.
Về nhóm nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, với nhiệm vụ được giao lập 5 quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Công thương đã khẩn trương triển khai lập 4 quy hoạch, gồm: quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng kho xăng dầu, khí đốt quốc gia; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ TN-MT, cung cấp các thông tin, dữ liệu lập quy hoạch khoáng sản, thẩm định đánh giá tác động môi trường các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật về môi trường; phối hợp trong việc cấp phép khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tham gia ý kiến đối với cấp phép không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản của một số dự án…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, báo cáo còn chưa đầy đủ, chưa nêu rõ một số nội dung có liên quan, đặc biệt là chưa nêu được trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như các tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong lập, thực hiện quy hoạch.
Lưu ý về việc cả 5 quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ Công thương được giao hiện đều chưa được phê duyệt, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu tiến độ phải đi đôi với chất lượng; bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh tình trạng sau khi quy hoạch đã ban hành lại phải điều chỉnh.
Liên quan đến quy hoạch khoáng sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là đánh giá tác động về xã hội, môi trường của các quy hoạch khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Bộ Công thương cần lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành vì liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Báo cáo tại phiên làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về quy hoạch ngày 2-3, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tới thời điểm hiện nay, Quy hoạch điện VIII đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thẩm định, báo cáo và được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần (ngày 26-3-2021 và và ngày 8-10-2021).
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình hình phát triển năng lượng trên thế giới có nhiều thay đổi. Hiện nay, Bộ Công thương đang trong quá trình rà soát và tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để xin ý kiến Chính phủ và cố gắng hoàn thiện để trình lại Chính phủ trong quý 2 tới đây.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, chuyển dịch năng lượng hiện đang được nhiều nước rất quan tâm và đặt mục tiêu thực hiện nhằm đáp ứng các cam kết với cộng đồng quốc tế về phát thải khí nhà kính. Phần lớn các quốc gia đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP26 vào tháng 11-2021. Do lĩnh vực điện lực nói riêng và lĩnh vực năng lượng nói chung đóng góp đáng kể vào việc phát thải khí CO2, để đảm bảo đáp ứng các cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch điện VIII cần thiết phải được rà soát và điều chỉnh phù hợp, xây dựng chương trình phát triển nguồn điện với cơ cấu hợp lý, đảm bảo mức phát thải hợp lý vào năm 2045.
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực thời kỳ 2011-2020, Bộ Công thương đã tổ chức thẩm định, điều chỉnh hoặc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cục bộ theo trình tự, thủ tục của pháp luật.
Kết quả, đã bổ sung 90 dự án điện gió tổng công suất 7.000MW; 31 dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.100MW; 9 dự án điện rác với tổng công suất 102,5MW và 4 dự án điện khí LNG với tổng công suất 5.700MW; điều chỉnh thông số kỹ thuật và bổ sung quy hoạch 243 nhà máy thủy điện với tổng công suất 1.736MW; bổ sung 50 công trình lưới truyền tải.
Nhờ đó đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế đang phát triển nóng (giai đoạn 2016-2019 phụ tải tăng trưởng luôn hơn 10%/năm). Tính đến hết ngày 31-12-2021, đã có 16.364MW điện mặt trời, hơn 3.987MW điện gió, 318MW điện sinh khối và điện chất thải rắn.
Kết quả thực tế năm 2019, 2020 và 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và gần 30 tỷ kWh. Điều này góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng).
Các nguồn điện năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5-6 năm 2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân thừa nhận, việc xem xét điều chỉnh quy hoạch chưa lường trước được sự không đồng bộ về tiến độ khi triển khai thực hiện các dự án nguồn điện và lưới điện giải tỏa công suất. Việc đầu tư và đưa vào vận hành các dự án lưới điện còn chưa theo kịp các dự án nguồn điện dẫn đến hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực khi ĐMT phát cao, còn tình trạng nghẽn mạch trên lưới 500 KV Bắc - Trung khi miền Bắc thiếu nguồn.
Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và thực hiện các dự án điện lực đã không thể dự báo được sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 làm phụ tải điện giảm, dẫn đến việc phải giảm phát nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn điện khác.