Mạnh ở ngoại thành
Việc đưa rước học sinh đến trường bằng xe buýt từ nhiều năm qua đã trở thành quen thuộc đối với một bộ phận người dân thành phố. Còn nhớ cách đây gần 18 năm, bắt đầu từ niên học 2001-2002, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho học sinh, cũng như góp phần giảm thiểu áp lực giao thông cá nhân trên đường bộ, thành phố đã lần đầu tiên tổ chức xe buýt đưa rước học sinh. Lúc đó, do dịch vụ này còn mới nên chỉ có sự tham gia của 6 trường học với số lượng học sinh đăng ký sử dụng xe buýt chỉ 252 em/ngày.
Đến nay, con số thống kê đã tăng lên khá nhiều. Theo số liệu từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), cho thấy có 106 trường và gần 30.000 học sinh đăng ký đi xe buýt hàng ngày trong niên học 2018-2019 vừa qua. Các số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, đến nay, mới chỉ có 14/24 quận huyện có trường học tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt. Cũng không quá khó hiểu khi số lượng trường học tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt tập trung nhiều hơn tại khu vực ngoại thành, tiêu biểu như các quận huyện: 9, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... Trong đó, Củ Chi là huyện dẫn đầu về số lượng các trường tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt với gần 40 trường. Tiếp theo là huyện Cần Giờ và quận 9.
Ngược lại, ở trung tâm thành phố là quận 1 và quận 4 không có trường nào tham gia; quận 3 và quận 5 có số trường tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay! Có vẻ như trường học ở các quận nội thành và trung tâm thành phố chưa mặn mà với việc tổ chức xe buýt đưa rước học sinh, trong khi khu vực vùng ven và ngoại thành có lượng học sinh tham gia đưa rước đông, do hầu hết gia đình vì điều kiện kinh tế còn khó khăn - đồng nghĩa với việc không có phương tiện đi lại hoặc phụ huynh không có điều kiện đưa rước.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết hiện có 7 doanh nghiệp vận tải với 295 phương tiện thuộc nhiều chủng loại, tham gia đưa rước học sinh theo hình thức hợp đồng; trong đó Hợp tác xã Vận tải Thanh Sơn đảm nhận đưa rước học sinh với tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 59% tổng số trường tham gia chương trình đưa rước học sinh bằng xe buýt. Đứng thứ nhì là Hợp tác xã Vận tải Quyết Tiến và thứ ba là Công ty TNHH An Phú Đạt.
Một đặc điểm đáng chú ý khác là các đơn vị đưa rước trong khu vực gần trung tâm thành phố chủ yếu sử dụng xe từ 12-16 ghế trong khi các địa bàn xa hơn như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè… thì doanh nghiệp vận tải thường sử dụng loại xe từ 28 ghế trở lên.
Liên kết phục vụ
Với mong muốn thu hút sự tham gia chương trình đưa rước học sinh bằng xe buýt hợp đồng từ các trường học và đối tượng học sinh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã tìm kiếm nhiều phương cách để nâng cao tiện ích, tiện nghi phục vụ. Tại khu vực Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, một nhà chờ xe buýt đã được lắp đặt trên đường Lê Quý Đôn (quận 3) với sự tài trợ của Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Nhà chờ này có bảng thông tin điện tử và camera quan sát, có lan can an toàn dọc theo vỉa hè các tuyến đường Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, tức là dọc theo các con đường bao quanh trường học. Đáng chú ý, bảng thông tin điện tử làm bằng đèn LED, cung cấp cho hành khách nhiều thông tin về xe buýt hữu ích như các tuyến xe đi qua trạm, thời gian xe buýt tiếp theo đến trạm, khoảng cách giữa xe buýt gần nhất…
Tương tự, tại khu vực Trường THCS Minh Đức (quận 1) có nhà chờ xe buýt được lắp đặt mới với mẫu thiết kế hiện đại, bao gồm xây dựng lối lên xuống phục vụ người khuyết tật, kẻ vạch dừng xe buýt, lắp camera giám sát và bảng thông tin điện tử, thay mới gạch vỉa hè ở khu vực trước cổng trường, lắp lan can bảo vệ... Công trình này được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty Phát triển Đất Việt.
Ngành giao thông vận tải TPHCM đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 15% khối lượng học sinh tham gia đi học bằng xe buýt. Đây là mục tiêu có thể đạt được nếu có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các sở ngành chức năng thành phố, như: Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Thành Đoàn, chính quyền các quận huyện…