Ghi nhận của PV Báo SGGP Online, trên nhiều tuyến đường ở TPHCM hiện có rất nhiều xe buýt lưu thông trên đường xả khói đen vào người đi đường.
Từ nhiều năm qua, người tham gia giao thông trên đường ở TPHCM không còn lạ gì với hình ảnh những chiếc xe buýt nhả khói đen ngòm ra phía sau sau mỗi lần tăng ga hay vào trạm đón trả khách. Điều đáng nói, nhiều tuyến xe buýt mới đưa vào hoạt động sau vài tháng xe đã xuống cấp nhả khói đen nghi ngút gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Cụ thể, tuyến xe buýt số 119 chất lượng cao hướng đến tiêu chuẩn “5 sao” từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Bến xe miền Tây và ngược lại do Công ty Cổ phần vận tải hàng không miền Nam (Satsco) đầu tư khai thác vào ngày 15-9-2016 với giá vé từ 12.000 đến 20.000 đồng/lượt tùy theo chặn. Tuy nhiên, xe mới hoạt động được vài tháng đã xuống cấp, xả khói đen ngòm làm ảnh hưởng đến người tham gia lưu thông. Nhiều hành khách cho rằng, giá vé cao nhưng chất lượng xe không đảm bảo, đơn vị này nhập xe cũ về rồi tân trang lại chứ không phải xe mới.
Xe buýt "5 sao" xả khói đen mù mịt trên đường Lý Thường Kiệt, sáng 12-5-2017. Ảnh: Q.H
Theo Satsco, toàn bộ xe được nhập khẩu, thiết kế hiện đại với sức chứa 60 hành khách, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro III, hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách (hệ thống chống kẹt cửa tự động, giảm sóc khí nén, thảm sàn cao cấp chống trơn trượt, hệ thống tự điều chỉnh phanh và côn). Trước đó, đơn vị này cũng đã đưa 2 tuyến xe buýt 109 và 49 vào khai thác cũng cùng dòng xe trên.
Theo một số chuyên gia về khí thải, tình trạng xe buýt dù có sổ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, song vẫn xả khí thải động cơ vượt tiêu chuẩn cho phép, có thể do nhà xe cố tình căn chỉnh động cơ, tăng tải xe để chở thêm khách. Việc điều chỉnh máy chịu tải lớn hơn công suất thiết kế khiến các xe này xả thải vượt tiêu chuẩn. Hiện nay việc giám sát khí thải ôtô rất khó khăn vì thiếu phương tiện, máy móc đặc chủng. Công việc này phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan đăng kiểm.