Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên nhưng cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư, kinh doanh. Họ hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch... tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh như: Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh... Còn theo lý giải của ngành công an, có không ít người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, lợi dụng sự buông lỏng kiểm tra, kiểm soát địa bàn của chính quyền, để thực hiện hành vi phạm tội.
Lỗ hổng quản lý địa bàn
Thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện nay, tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, người nước ngoài đến thuê khách sạn, căn hộ ngày một dày đặc. Công tác kiểm tra tạm trú đối với người nước ngoài được cảnh sát khu vực tiến hành thường xuyên. Thế nhưng, so với số cơ sở cần kiểm tra thì lực lượng kiểm tra hiện còn khá mỏng, cùng với đó là không ít những khó khăn. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh chưa ý thức thực hiện đăng ký tạm trú, lưu trú với người nước ngoài. Việc bất đồng ngôn ngữ do trên địa bàn có lượng lớn người nước ngoài cư trú thuộc nhiều quốc tịch cũng là trở ngại lớn. Điều này tạo nên rào cản khiến công tác nắm địa bàn có số lượng người nước ngoài lưu trú của địa phương không kịp thời và sâu sát.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Khánh Hòa, các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch cho khách nước ngoài sử dụng số lượng lớn nhân sự người nước ngoài (chủ yếu quốc tịch Trung Quốc) để hoạt động, làm việc nhưng không thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định về xuất nhập cảnh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm tra đột xuất 6 đợt đối với 56 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 35 doanh nghiệp với số tiền 647 triệu đồng; Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra, xử phạt 279 trường hợp người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh với tổng số tiền phạt hơn 3,1 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Khánh Hòa Võ Bình Tân, sở rất khó xử lý các cơ sở kinh doanh dạng “tour 0 đồng” vì khi kiểm tra phải báo trước. Việc kiểm tra, phát hiện để xử phạt hay trục xuất phụ thuộc rất lớn vào cơ quan công an. Trong khi đó, cơ quan công an lại nhận định, việc các đối tượng người nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều đối tượng người nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam đã thuê nhà, thuê chung cư, rồi thuê đường truyền viễn thông, thiết lập tổng đài nhằm mục đích lừa đảo tiền của công dân tại nước sở tại. Một số kẻ khác thuê đường truyền, xây dựng, quản lý các trang web tổ chức đánh bạc trực tuyến.
“Các đối tượng thường thuê địa điểm biệt lập, khép kín hoặc những căn nhà ở khu đô thị mới, nơi ít người để ý, khó quan sát. Họ thường khai báo tạm trú với một vài thành viên, còn các đối tượng khác khai báo tạm trú tại khách sạn. Sau đó, các đối tượng này di chuyển về địa điểm hoạt động mà không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương nhằm tránh bị để ý, giám sát...”, một cán bộ công an chia sẻ.
Tại địa bàn TPHCM, Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (PA08, Công an TPHCM), cho hay: TPHCM là một trong những địa bàn có số lượng người nước ngoài đông. Số lượng người nước ngoài khai báo tạm trú trên hệ thống khoảng 120.000 người. Số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào TPHCM tăng 8,5% trong 6 tháng qua. TPHCM đang đối diện với tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm khá phức tạp, thủ đoạn tinh vi, tính chất đa dạng: vi phạm luật giao thông, cờ bạc, say rượu, đánh nhau, liên quan đến ma túy, lừa đảo công nghệ cao… 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan quản lý phát hiện 780 trường hợp người nước ngoài vi phạm hành chính về lưu trú như: không xuất trình được hộ chiếu, không đăng ký lưu trú, thị thực hết hạn; đặc biệt, có 235 trường hợp vi phạm hình sự. Nhiều trường hợp lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam, nhưng thực tế lại có các hành vi cá cược thể thao qua mạng, trộm cắp tài khoản trên máy bay, buôn bán ma túy, cướp tài sản, môi giới mại dâm, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo qua internet…
Cũng theo Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, tình trạng lưu trú quá hạn thị thực, vi phạm luật xuất nhập cảnh cư trú diễn ra nhiều. Một số đối tượng không có tài chính, có người không có giấy tờ tùy thân, vì thế việc xác minh, truy xét phải trao đổi cơ quan ngoại giao các nước. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ không có cơ quan đại diện ở Việt Nam, ở TPHCM, nên thành phố phải trao đổi qua Bộ Ngoại giao và chờ đợi rất lâu. Theo quy định của pháp luật, đương sự được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc của họ nên nhiều người nước ngoài vi phạm pháp luật sử dụng bản ngữ, lại thuộc ngôn ngữ không phổ biến trên thế giới, rất khó cho cơ quan xử lý. Gần đây, TPHCM còn xuất hiện nhiều người nước ngoài câm điếc lang thang đi xin ăn. Giao tiếp được với họ là cả một vấn đề.
TPHCM cũng đã xuất hiện tình trạng người nước ngoài “ngáo đá”. Thậm chí, có trường hợp bị tâm thần và để xử lý được những trường hợp như thế rất khó. Đa số các trường hợp lang thang, tâm thần đều mất giấy tờ tùy thân, giảm khả năng nhận thức. Trước nay, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM tiếp nhận người lang thang là người Việt Nam, chưa có quy định nào về việc tiếp nhận người lang thang là người nước ngoài, nhất là người tâm thần. Thành phố chưa có nơi tạm giữ hành chính người nước ngoài vi phạm. Vì thế, những đối tượng này hiện nay TPHCM chưa có chỗ “gửi”. Một số trường hợp người nước ngoài tâm thần, chúng tôi phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. Quá trình điều trị thường kéo dài. Trong khi đó, họ không có giấy tờ, không có tiền bạc nên khó khăn về vấn đề kinh phí điều trị. Nhiều trường hợp, cơ quan xuất nhập cảnh phải tạm ứng tiền để bệnh viện điều trị cho những người này. Các trường hợp không cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, việc hợp tác xác minh xử lý rất chậm.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, theo quy định, muốn làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài phải có bằng đại học ở nước sở tại; có kinh nghiệm 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn và được xác nhận đầy đủ; có lý lịch tư pháp được Sở Tư pháp TPHCM thẩm định. Chỉ khi thỏa mãn 3 yếu tố đó, họ mới được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây ở TPHCM cũng đang xuất hiện nhiều người nước ngoài chưa tuân thủ quy định pháp luật. Nhiều người lợi dụng quy định thông thoáng là vào Việt Nam để đi du lịch với thời hạn dưới 3 tháng thì không phải có visa nên đã giả như người đi “du lịch bụi” để đến TPHCM làm việc. Họ cũng không xin cấp phép lao động. Gần hết 3 tháng, họ xuất cảnh, sau đó lại nhập cảnh trở lại. Một số trường hợp khác thì làm giả giấy phép lao động, làm giả giấy khám sức khỏe để làm việc tại TPHCM. Sở LĐTB-XH TPHCM chưa thống kê được hết số người nước ngoài lợi dụng, vi phạm kiểu này.
“Trong thời gian tới, để tiếp tục ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng tội phạm người nước ngoài, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án “treo”, nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng trái phép”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ. |