Buồn vui nữ công nhân giày da

Buồn vui nữ công nhân giày da

“Thợ giày da chúng em quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối với đường kim mũi chỉ, thức khuya dậy sớm, thời gian đâu mà đi chơi, giao lưu văn hóa. Nhiều người đã 40 tuổi mà vẫn cô đơn, em cũng thế”. Mở đầu câu chuyện, chị Nguyễn Thị Huyền, quê Thanh Hóa, cán bộ phụ trách quản lý nhân sự hành chính, sản xuất khâu thành hình của Xí nghiệp Giày da Tramatsuco (thành phố Vũng Tàu) tâm sự.

Việc làm bấp bênh, lương  không ổn định

Buồn vui nữ công nhân giày da ảnh 1

Ngoài giờ làm việc ở xí nghiệp, công nhân giày da còn tranh thủ may thêm hàng gia công buổi tối ở nhà trọ để kiếm thêm thu nhập

Ở thành phố Vũng Tàu có hơn 20.000 công nhân làm ở các xí nghiệp may xuất khẩu của các công ty nước ngoài, trong đó tại Xí nghiệp Giày da Tramatsuco, công nhân nữ làm giày da là nhiều nhất.

Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau, công việc của họ ngồi trên ghế may công nghiệp bằng máy tưởng như nhàn hạ, song thực tế rất khó nhọc. Một ngày mới bắt đầu với lịch thời gian siết chặt: 6g30 sáng vào ca, làm đến 12g thì ăn cơm trưa. Nghỉ trưa tại chỗ, đến 13g15 thì vào ca chiều đến 18g. Nếu tăng ca, đến 21g30 đêm mới được nghỉ. Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, những cô thợ như con ong chăm chỉ cho ra những đôi giày đẹp đẽ xuất khẩu sang các nước. Một tháng chỉ nghỉ được 2 ngày (dĩ nhiên 2 ngày nghỉ ấy không lương và không phải mùa tăng ca), song nếu nghỉ 1 ngày ngoài tiêu chuẩn mà không báo cáo sẽ bị trừ 50.000đ vào tiền lương cuối tháng.

Chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1972) quê Thanh Hóa, làm công nhân ở Xí nghiệp Giày da Tramatsuco đã hơn 10 năm. Huyền tâm sự: “Tôi đã có 8 năm miệt mài bên bàn máy khâu. Bây giờ ở cương vị quản lý nhân sự hành chính song đồng lương cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân mình một cách tằn tiện. Ngoài tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền điện nước, số còn lại dư dả chẳng đáng là bao, may quần áo là hết”.

Khi tôi hỏi công việc có ổn định, chị Huyền cho biết: “Một năm, công nhân giày da có ít nhất gần 3 tháng không có việc làm, trong thời gian ấy, xí nghiệp chỉ hỗ trợ cho 15% lương thất nghiệp, tức là được hơn 100.000đ/tháng. Còn lại tất cả chị em phải tự lo, có nhiều người bỏ việc luôn hoặc đi tìm việc ở công ty khác. Thường thì hai tháng 4 và 5 là chơi dài nhưng đến cuối năm thì vắt chân lên cổ mà làm cũng không hết việc, không đủ hàng cho công ty. Ngày tăng ca phải làm 12 tiếng nhưng cũng chỉ thêm được 300.000đ là nhiều. Nói chung đã làm nghề này là chấp nhận việc làm bấp bênh, lương không ổn định, đời sống khó khăn”. 

Giày xuất khẩu “dẫm nát” tuổi thanh xuân

Những cô gái làm công nhân giày da thường ví như vậy. “Một năm 365 ngày thì có 300 ngày tăng ca, còn thời gian đâu mà giao lưu tìm bạn. Có chị em may mắn lấy chồng là lính hải quân, còn đa phần vẫn cô đơn, chẳng lẽ lại làm chuyện cọc đi tìm trâu?”, chị Phan Thị Trường, năm nay đã 37 tuổi, chân tình tâm sự.

Sau 12 giờ căng thẳng với đường kim mũi chỉ, 10 đầu ngón tay như tê dại, người đau ê ẩm, chị Lê Thị Ngọc (ở Phước Thành, phường 12, TP Vũng Tàu) cùng 4 chị em khác về căn phòng trọ của mình. Họ xúm nhau nấu ăn, người nhặt rau, người vo gạo. Căn phòng chật hẹp chỉ đủ một ô vệ sinh và trải một chiếc chiếu. Bữa cơm của họ đạm bạc với đĩa rau muống luộc, mấy miếng đậu phụ và vài con cá biển kho.

Tôi hỏi “Các em ăn thế này sao có sức khỏe mà làm việc?”, các cô trả lời: “Thế này là sang rồi đấy. Thật ra chúng em cũng muốn tiết kiệm dành tiền để lấy chồng nữa, nhờ nhà báo tìm cho một mảnh tình rách vắt vai được không”. Ngọc cười rồi nói tiếp: “Với chưa đầy một triệu đồng tiền lương, chúng em phải trả tiền thuê nhà, trang trải cuộc sống. Có chị em còn phải giúp đỡ gia đình ngoài Bắc nuôi em ăn học”. “Còn chuyện riêng tư thế nào?”. “Làm gì có thời gian mà riêng với tư. Cả năm quần quật với đôi giày xuất khẩu, nó đã dẫm nát tuổi thanh xuân của chúng em rồi. Dãy phòng trọ này, ai cũng cô đơn. Ở tập thể cũng vui, chuyện gì cũng biết, việc gì cũng làm chung, chỉ có điều cô đơn thì không ai biết”…

Không thể viết hết những niềm vui nỗi buồn của những cô gái thợ giày da, song điều ghi nhận và đáng trân trọng ở họ là đức tính cần cù chịu khó, làm lụng vất vả để lấy tiền giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân. Với họ, tuổi xuân dần trôi theo thời gian, đồng nghĩa với bao điều trăn trở và luôn mơ về một gia đình  bé nhỏ hạnh phúc.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục