So bó đũa chọn cột cờ
Nếu để lựa chọn trong số 3 phim Việt cùng ra mắt vào ngày 5-2 (tức mùng 1 tết), có lẽ Cua lại vợ bầu có phần chỉn chu hơn. Đây cũng là dự án khởi động sớm nhất khi tổ chức công chiếu từ ngày 23-1, trước khi có các suất chiếu sớm trong 3 ngày từ 25 đến 27-1. Đại diện đơn vị phát hành báo tin vui, phim thu hút hơn 180.000 khán giả, đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng. Đây được xem là bước chạy đà tích cực.
So với hai dự án còn lại, Cua lại vợ bầu được xem là màu sắc mới trong mùa phim tết. Phim thuộc thể loại tâm lý, tình cảm xen lẫn yếu tố hài. Theo đạo diễn Nhất Trung, phim tết ngoài chuyện phải vui cười, anh còn muốn mang đến thông điệp sâu sắc về yêu thương, sẻ chia đến với khán giả. “Tôi nghĩ đây là quyết định mạo hiểm nhưng nó tạo ra màu sắc khác. Điều quan trọng nhất là sau khi xem phim, có gì sẽ đọng lại với khán giả, bởi hiện nay họ có đủ sự thông minh để lựa chọn”, đạo diễn Nhất Trung nhấn mạnh.
Dù có sự tham gia của danh hài Trấn Thành nhưng phim tiết chế khá nhiều các phân đoạn hài hước, chuyển hướng để anh tập trung vào các mảng miếng tâm lý. Trấn Thành - Lan Ngọc cũng có sự kết hợp khá ăn ý. Các diễn viên: Mạc Văn Khoa, Khả Như, Hữu Châu, Hồng Đào… là nhân tố tạo nên tiếng cười chính, nhưng chỉ điểm xuyến trong mạch truyện có những phân đoạn lấy nước mắt khán giả. Kịch bản có nhiều bất ngờ, lời thoại chắt lọc, âm nhạc được trau chuốt… là những điểm cộng nổi bật của phim, bên cạnh một số hạn chế nhất định về diễn xuất của Anh Tú, một số chi tiết gây phân tán cảm xúc khán giả.
Trạng Quỳnh - dự án hài dân gian được chờ đợi nhưng cuối cùng không đạt chất lượng như kỳ vọng. Phim có những điểm cộng nhất định với những khung hình mướt mắt, dàn diễn viên ngoại hình sáng, âm nhạc có sự đầu tư nghiêm túc… song vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu. Kịch bản phim thiếu sự logic, nhiều phân đoạn chắp vá vụng về, rời rạc. Phim cũng có những tình tiết được cho là không cần thiết, thậm chí có phần phản cảm như nhân vật của Trấn Thành khoe mông trên màn ảnh, cài cắm yếu tố đồng tính… Ngay cả phần lời thoại trong phim khi đan xen giữa hiện đại và quá khứ được xem là sự kết hợp “nửa nạc nửa mỡ”, trang phục cũng chưa có sự đồng nhất, nhiều đại cảnh như trường thi, cung vua khá sơ sài... Phim có quyền hư cấu nhưng việc xây dựng nhân vật Trạng Quỳnh khác hẳn với những câu chuyện truyền miệng trước đây đặt ra nhiều câu hỏi. Chưa kể diễn xuất của các nhân vật từ Trấn Thành, Quốc Anh, Nhã Phương, Công Dương, Khả Như… đều thiếu chiều sâu. Trạng Quỳnh rõ ràng muốn truyền tải thông điệp về lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhưng cách thể hiện còn vụng về khiến phim đứt gãy cảm xúc nơi khán giả.
Táo quậy cũng lấy từ tích dân gian về gia đình nhà Táo “2 ông 1 bà”. Câu chuyện mở màn với truyền thuyết dân gian được truyền miệng từ nhiều đời và mạch phim đã bám sát ý tưởng đó cho đến kết phim. Đây cũng là dự án được đầu tư phần kỹ xảo rất nhiều, lên đến 30% như ê kíp tiết lộ, trong đó có một số phân cảnh khá chỉn chu. Táo quậy gửi gắm thông điệp về tình yêu thương, sự đoàn kết, thấu hiểu và sẻ chia giữa những người trong gia đình, giữa con người với con người. Tránh được lối mòn hài nhảm nhưng phim vẫn mắc lỗi về kịch bản khi kết hợp giữa yếu tố hiện tại và thần thoại có phần rối rắm. Một số vấn đề thời sự nóng trong năm qua về đội tuyển bóng đá Việt Nam, chuyện thu phí - thu giá… được đưa vào nhưng chưa đủ sắc sảo, thâm thúy. Các mảng miếng hài trong phim cũng khiến khán giả cười, song chưa thật sảng khoái. Về mặt diễn xuất, Hứa Minh Đạt có lẽ chưa đủ nét duyên để cầm trịch một vai diễn lớn. Các tuyến nhân vật còn lại, cũng chỉ dừng ở mức độ “sạch sẽ”.
Đối chọi với phim ngoại
Đã thành thông lệ, mỗi mùa phim tết các đơn vị sản xuất trong nước lại có chung nỗi lo khi phải đối đầu với hàng loạt phim ngoại nhập. Đại diện một nhà phát hành từng chia sẻ, vào những dịp đặc biệt như tết cần có những chính sách bảo hộ phim Việt trong cuộc đối đầu mà ta luôn ở thế yếu. Mùa Tết 2018, bom tấn Chiến binh báo đen được lùi ngày phát hành 1 tuần, tạo ra cơ hội cho các phim Việt bùng nổ về doanh thu. Nhưng thị trường năm nay, phim ngoại nhập hoàn toàn áp đảo về số lượng.
Được mệnh danh là Vua làng hài có sức hút trên toàn châu Á, tết này Châu Tinh Trì hứa hẹn lại “oanh tạc” phòng vé Việt. Tân vua hài kịch là sự tiếp nối của tác phẩm đã ra đời từ 20 năm về trước với sự tham gia của chính Châu Tinh Trì và Trương Bá Chi. Lần trở lại sau 3 năm ấp ủ này, anh sẽ đứng vai trò đạo diễn và trao cơ hội cho dàn diễn viên có nghề: Vương Bảo Cường, Cổ Tĩnh Văn, Trương Toàn Đản… Phim ra rạp đúng mùng 1 tết.
Một cái tên đình đám khác của làng giải trí Hoa ngữ cũng “xông đất” thị trường điện ảnh Việt năm nay là Thành Long với Đại chiến âm dương (khởi chiếu mùng 1 tết). Kịch bản phim được xây dựng từ tác phẩm nổi tiếng Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh), tập hợp những kỳ án quái dị trong dân gian. Yếu tố hành động và hài hước được xem là điểm nhấn của phim. Bên cạnh Thành Long, phim còn có sự tham gia của các ngôi sao: “Ảnh đế Đài Loan” Nguyễn Kinh Thiên, Chung Sở Hy, Kiều Sam, Lâm Bách Hoằng...
Hai phim hoạt hình cũng hứa hẹn mùa tết năm nay là Bí kíp luyện rồng 3 (mùng 2 tết) và Lego 2 (mùng 4 tết). Cả hai bộ phim này đều được các chuyên trang điện ảnh thế giới là Rotten Tomatoes, Metacritic… đánh giá khá tích cực và không bị dán nhãn hạn chế đối tượng khán giả. Hai dự án còn lại ra mắt dịp tết là Quỷ dữ bóng đêm (kinh dị) và Nữ thần rắn 2 (lãng mạn, giả tưởng) cũng sẽ làm gia vị bữa tiệc phim tết thêm phong phú.
Ngoài ra, sau tuần cao điểm phim tết cũng hứa hẹn cuộc đua sôi động không kém với: Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Alita: Thiên thần chiến binh, Tình đầu thơ ngây, Sinh nhật chết chóc 2…