Không dễ kiếm được tiền
Bạn Mỹ Hạnh (sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM) tâm sự: “Gia đình mình hoàn cảnh khó khăn, nên ngay khi vào đại học, mình tranh thủ tìm công việc làm thêm để có thể phụ giúp bố mẹ, và rồi đã xin được vào làm tại một nhà hàng tiệc cưới ở quận 1. Mình phải tự lo đồng phục nên trước ngày vào làm phải đi mượn tiền các bạn trong phòng trọ. Phải mất một tuần làm việc mình mới trả hết nợ. Để phục vụ một tiệc cưới diễn ra trong 4 giờ, mình phải đến đó trước 3 giờ để sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị chén dĩa, trang trí lễ đài… Một ngày làm 7 giờ được 140.000 đồng, nhưng khá mệt. Những khi đau ốm cũng chỉ uống tạm vài viên thuốc giảm đau, cố gắng đi làm, bởi nếu vắng một ngày là có thể mất việc”.
Bạn Ngô Thị Linh (sinh viên Đại học Sài Gòn) cũng làm thêm ở trung tâm tiệc cưới. Ban ngày lo học, chiều tối Linh lại mặc bộ đồng phục của nhân viên nhà hàng, lên xe buýt đến trung tâm tiệc cưới để làm thêm.
Linh kể về công việc của mình: “Phải chạy ra chạy vào liên tục với những món ăn nặng trịch, lại phải “tay xách nách mang” mấy cái ly, đôi đũa khi khách gọi thêm, cổ họng thì luôn khô khốc bởi quy định của nhà hàng không cho nhân viên phục vụ dùng nước trong buổi tiệc. Sau một tối mệt nhoài, khi về được tới nhà mình vội lao vào gối, có khi ngủ đến trưa hôm sau, quên cả đi học. Vất vả là thế nhưng đôi khi còn bị quản lý mắng vô cớ. Có lần bọn mình đang đứng chờ để giao việc thì chị quản lý đến quát tháo ầm ĩ, làm mình giật bắn người, sau đó có một vài bạn thấy tổn thương nên bỏ việc ra về. Các bạn ấy lần đầu vào làm nhà hàng nên còn tự ái, chứ bọn mình thì quen rồi, chỉ cần có việc làm là được. Để tiết kiệm tiền ăn bữa tối, mình và nhóm bạn thường dồn thức ăn còn lại trên các bàn mà khách không ăn hết rồi xúm lại ăn. Người cầm cái bánh, người cầm miếng xôi ngồi trong góc nhai nhỏm nhẻm. Ăn xong, dọn dẹp xong, nhận 120.000 đồng mà ứa nước mắt”.
Những niềm vui nhỏ
Gắn bó với nghề phục vụ tiệc cưới được hơn 2 năm, đã trải qua nhiều vui buồn, Nguyễn Thị Ái Nhi (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) kể: “Người làm chạy bàn ở nhà hàng tiệc cưới chủ yếu là sinh viên. Có cùng hoàn cảnh nên mọi người đồng cảm, giúp đỡ nhau như một gia đình lớn. Cứ đến sinh nhật của ai trong nhóm, mọi người lại góp tiền tổ chức sinh nhật cho người đó, tuy chỉ là một chiếc bánh kem nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Cũng nhờ đi làm chung như vậy, mà nhiều cặp đôi đã bén duyên nhau. Trong nhóm mình từng có 2 anh chị đã trở nên thân thiết và cùng hẹn hò, rồi kết hôn, sống rất hạnh phúc. Mình thấy mà vui lây”.
Huy Toàn (sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM) vui vẻ kể: “Đối với các sinh viên đi chạy bàn như bọn mình, niềm vui có khi chỉ là lúc đang loay hoay gắp đá, châm bia trên bàn thì có thực khách ân cần hỏi thăm, động viên, hoặc đơn giản là được phục vụ những vị khách lịch sự, đáng mến”.
Làm thêm tại nhà hàng giúp các bạn có thu nhập trang trải cuộc sống và còn tích lũy được kinh nghiệm giao tiếp, làm việc. Tuy nhiên, do chiều tối nào cũng phải đi làm đến khuya nên các bạn không có thời gian dành cho bài vở. Không ít bạn sinh viên vì mải mê làm thêm mà xao nhãng việc học, nên càng làm càng nợ môn, mà càng nợ môn, chậm tốt nghiệp thì càng phải đi làm.
Cứ vòng luẩn quẩn ấy làm không ít bạn chán nản và bỏ học vì mãi không thể ra trường. Chính vì vậy, sinh viên cần sắp xếp cân đối giữa việc học và làm thêm. Đừng để việc mưu sinh lấn át, có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai.