Thấy tía về tới cổng là lật đật rót nước, xách cái nón đem vô treo lên vách liền cho tía. Không ai biểu, không ai mượn thì mấy ngày cận tết, tụi nhỏ cũng tự động siêng. Bởi ráng lấy lòng người lớn trong nhà để tết còn được lì xì. Thiệt tình, đúng là con nít, trông tết một mà trông lì xì tới mười.
Mấy bữa dọn dẹp nhà cửa, rồi làm củ kiệu, dưa cải để ăn tết, má biểu phụ má, đứa nào nhăn mặt, trề môi là má hù liền: “Giờ làm biếng là tết hông có đòi lì xì nha”. Đứa nào cũng lật đật xách rổ, xách thau, ngồi trực sẵn để chờ má sai, má biểu gì là làm liền. Đi chợ tết thì đứa nào lớn đi theo để phụ xách đồ cho má, đứa nhỏ ở nhà đợi má đi chợ vừa về tới là chạy ra tận cổng rước, phụ xách đồ vô để trong nhà.
Con nít trong nhà lúc nào mà không được thương, được ưu tiên nhất nhà, xin tiền mua cái bánh, cây kẹo có khi nào tía má tiếc đâu. Nhưng hễ tết là lại trông lì xì, bao lì xì cũng không bao nhiêu, mua được vài cái bánh, cây kẹo, vậy mà tụi nhỏ mừng, trông mau tới tết.
Sau này, anh Hai, chị Ba đi làm xa nhà, mỗi lần về là má dặn: “Để dành chút đỉnh lì xì cho tụi nhỏ nha bây, có cái bao xanh, đỏ là tụi nó mừng lắm, còn bây muốn bỏ trong đó nhiêu cũng được”. Anh Hai cười khì khì: “Phải có cho em nó mừng chứ má. Con có để dành hết rồi, không có để mấy đứa trông tội nghiệp”. Tiền trong mỗi bao lì xì không đáng là bao nhiêu, nhưng phải lựa tờ tiền mới tinh, thẳng thớm. Má nói lì xì để lấy hên, lấy lộc nên phải lựa tiền thiệt mới.
Sáng mùng 1 tết, đứa nào cũng quần áo mới chỉnh tề, xếp hàng chúc tết nội để nội lì xì, sau đó thì tới ba má, anh chị trong nhà. Nhận lì xì xong, cả đám lao xao bên hộp bánh mứt, rồi dắt nhau chạy giỡn khắp nhà. Không chỉ sắp nhỏ mới có lì xì, mà ba má rồi anh chị lớn cũng được nội lì xì để lấy lộc, lấy hên đầu năm. Rồi ba má, anh chị cũng mừng tuổi nội, chúc nội sống lâu với con, với cháu.
Bà con họ hàng, khách khứa đến chơi, chúc tết ba ngày xuân, sau màn thắp hương bàn thờ tổ tiên, chúc tết người lớn trong nhà với nhau, thì tới lượt lì xì cho sắp nhỏ. Bác Hai vui tính nên tụi nhỏ khoái lắm. Mỗi lần lì xì là bác Hai bắt phải chúc tết bác Hai thiệt hay thì mới có lì xì. Vậy là tụi nhỏ xếp hàng, bao nhiêu câu chúc tết hay, đẹp cứ gom lại rồi nói một lèo, bác Hai cười khà khà: “Ráng học giỏi, mau lớn cho tía má nhờ nữa nghen con!”. Đám nhỏ dạ thưa.
Nhưng cuộc sống ngày càng thay đổi. Tụi nhỏ bây giờ cũng khác xưa. Có năm tía đi chúc tết họ hàng về mà mặt hông vui, má hỏi sao thì tía kể, lì xì bây giờ tụi nhỏ mở ra coi liền, ít quá tụi nó trề môi. Con nít như tờ giấy trắng, nào biết đòi hỏi hay phân biệt ít nhiều, có lẽ cũng vì biến tướng từ người lớn mà ra. Bao lì xì không còn đựng cái lộc, cái hên đầu năm mới mà bao lì xì là phải một mệnh giá hẳn hoi.
Có khi tiền lì xì trong ba ngày tết của một đứa nhỏ bằng cả tháng lương của người lao động. Nhiều người còn vịn vào bao lì xì để đạt mục đích riêng. Lì xì trong nhà còn ít hơn lì xì con cháu của sếp. Cũng bởi những lẽ đó mà tụi nhỏ bắt đầu so đo, hơn thua nhau trong mỗi bao lì xì. Người ta bị cuốn xoáy vào danh lợi mà quên mất giá trị và ý nghĩa của tục lì xì đầu năm hồi nào không hay.
Nhiều cái tết, xấp bao lì xì má để sẵn còn nguyên. Đi chúc tết thà không lì xì cho rồi, chứ lì xì ít quá cũng bị soi. Những cái bao lì xì đỏ thắm, in hình cành mai vàng lấp lánh… nhưng nằm buồn thiu trong tủ, không còn ai đợi ai trông nữa rồi, có chăng là chỉ chờ cái mệnh giá nằm trong đó!