Tạo niềm tin cán bộ sẽ được bảo vệ khi sáng tạo
Tại hội thảo, GS-TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đánh giá, qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển ngoạn mục, từ một nước nghèo đã tăng trưởng kinh tế với tốc độ hàng đầu khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình.
Muốn bước vào Kỷ nguyên vươn mình, thoát "bẫy" thu nhập trung bình, GS-TS Trần Ngọc Anh cho rằng, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng cần vươn mình được trong quản trị công, nghĩa là dịch chuyển được sang "bệ phóng" thoát "bẫy".
GS-TS Trần Ngọc Anh gợi ý 7 chiến lược cho sự dịch chuyển, trong đó thành phố phải có đội ngũ cán bộ hội tụ 3 điều kiện là năng lực, động lực và môi trường. Nói cách khác, cán bộ phải: muốn làm, làm được và được làm.
Chuyên gia nhấn mạnh trong nhiệm kỳ tới, TPHCM cần đột phá bằng được ở 3 điều kiện này. Cụ thể, để cán bộ có năng lực, trước hết lương phải đủ sống, tức tăng lương cao trước cho nhóm cán bộ quan trọng, những ngành quan trọng. Đồng thời, cần có hệ thống đánh giá công việc một cách chính xác, khách quan, công bằng.
Thành phố cũng cần có môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ phát huy khả năng sáng tạo của mình và có biện pháp cụ thể bảo vệ cán bộ sáng tạo, để tạo được niềm tin là cán bộ sẽ được bảo vệ khi sáng tạo.
Về nội dung này, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), cho rằng, qua quan sát trên thế giới, nước rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình là khi không giữ được đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ này ra đi sẽ kéo theo tài sản và trí tuệ.
Do đó, để thoát "bẫy" thu nhập trung bình, TPHCM phải cho thấy đây là nơi đáng sống, nơi công lý được bảo vệ, từ đó giữ chân họ sống, gắn bó và cống hiến cho thành phố.
Phân tích thêm về nội hàm kỷ nguyên vươn mình, theo TS Nguyễn Tú Anh, đó là kỷ nguyên để đất nước ta tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao vị thế của dân tộc. Việt Nam đang ở giai đoạn dựa trên đầu tư, muốn tăng trưởng nhanh thì phải đạt được quy mô đầu tư, quan trọng nhất là nâng được hiệu quả đầu tư để thu hút đầu tư.
Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt, thành phố phải tinh gọn và thu hút người đủ tâm, đủ tầm vào bộ máy, tạo cơ chế động lực để công chức yên tâm làm việc và cống hiến.
Đồng thời, phải số hóa chính quyền, trong đó tập trung nâng cao chất lượng ra quyết định và rút ngắn quá trình ra quyết định; chuẩn hóa quy trình làm việc 5 rõ như Thủ tướng nói: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả.
Về dài hạn, ngoài triển khai hàng loạt các hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần phải chú trọng hạ tầng số và TPHCM phải là trung tâm và đi đầu trong xây dựng hạ tầng số.
Ngoài giao thông, cảng biển, metro, TPHCM cũng phải tập trung phát triển các ngành dịch vụ giá trị cao như: R&D (nghiên cứu và phát triển), giáo dục, y tế, dịch vụ, nghệ thuật, du lịch, tư vấn khoa học, trung tâm thương mại. Trong đó, thương mại phải là điểm nhấn của TPHCM.
Mặt khác, TPHCM phải xác định không chỉ là trung tâm của Đông Nam bộ mà là trung tâm của Việt Nam, hoặc ít nhất là trung tâm của miền Nam, có vai trò trong liên kết liên vùng, chứ không đơn thuần là trung tâm liên kết nội vùng.
Ba đột phá chiến lược
Thảo luận tại hội thảo về vị trí của TPHCM trong kỷ nguyên vươn mình, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, TPHCM đang rất tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, để vươn lên tầm cao mới, TPHCM cần bám vào 3 đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng và nhân lực chất lượng cao); 3 động cơ tăng tốc (khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao) và 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch).
Trong đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, cần theo đuổi Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM phù hợp với quy mô kinh tế thành phố; đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm.
Đề cập đến chiến lược dài hạn, GS-TS Thoại Nam, Đại học Bách Khoa TPHCM cho rằng, thành phố cần tập trung thu hút đầu tư, nhất là những tập đoàn lớn.
Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là các tập đoàn đang cần các trung tâm dữ liệu với quy mô siêu lớn. Hiện các nước khác đã có trung tâm dữ liệu cỡ vừa và nhỏ. Các tập đoàn đang tìm một số quốc gia mới để đầu tư.
Việc đầu tư các trung tâm dữ liệu siêu lớn phải có các chính sách về đất đai, năng lượng, nhất là năng lượng sạch. Do đó, TPHCM phải phát triển năng lượng xanh, chuẩn bị về con người và đầu tư hạ tầng tính toán.
Liên quan nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM xác định phải là trung tâm dữ liệu của khu vực và quốc tế; đồng thời, bổ sung vào quy hoạch của thành phố hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng tính toán.
Cụ thể, đồng chí cho biết, hiện thành phố đã chuẩn bị các hạ tầng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió; ngoài ra, tính toán đến năng lượng thủy triều.
Bên cạnh đó, thành phố đang theo đuổi và nỗ lực triển khai năng lượng gió ngoài khơi tại Cần Giờ; đề xuất có đường truyền tải điện từ tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc từ miền Tây về thành phố. Thành phố cũng đã đề nghị mở cáp quang quốc tế ở Cần Giờ. Trên cơ sở có các đầu tư trên, thành phố sẽ có các chính sách liên quan.