Bước tiến trong thu hồi tài sản tham nhũng - Bài 4: Cơ chế đột phá trong xử lý tài sản tham nhũng

Thu hồi tài sản tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm và đầy thách thức trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt, số lượng tài sản tham nhũng được thu hồi vẫn chưa triệt để. Sau vệt bài “Bước tiến trong thu hồi tài sản tham nhũng”, Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc hoàn thiện cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong bối cảnh hiện nay.

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Ngăn chặn tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”

Thời gian qua, việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều thách thức do các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tẩu tán tài sản. Các đối tượng tham nhũng thường tẩu tán tài sản cho người thân, bạn bè hoặc tẩu tán tài sản ra nước ngoài, khiến việc truy tìm và thu hồi tài sản trở nên phức tạp và kéo dài. Họ chấp nhận chịu hình phạt, bao gồm cả án tù để che giấu tài sản. Điều này tạo ra một thực trạng đáng lo ngại “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tức là, mặc dù người gây ra vụ việc chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng con cháu và người thân của họ vẫn được hưởng lợi từ tài sản bất chính do tham nhũng mà có được.

Ong Pham Van Hoa.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, tham mưu sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến việc phong tỏa, kê biên và thu hồi tài sản tham nhũng. Điều này giúp ngăn chặn kịp thời việc tẩu tán tài sản ngay từ giai đoạn đầu của quá trình điều tra. Cùng với đó, rà soát lại toàn bộ các quy định và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp để phát hiện những điểm chưa chặt chẽ, từ đó có thể sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình thu hồi tài sản.

Trong đó, cần có quy định khuyến khích các đối tượng tham nhũng tự nguyện nộp lại tài sản để được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đây là cách tiếp cận mang tính nhân văn, đồng thời khuyến khích các đối tượng tham nhũng hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xét xử. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và ngăn chặn tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Phong tỏa tài sản tham nhũng từ sớm

Một số vụ án tham nhũng có giá trị tài sản bị thất thoát rất lớn, có vụ gây thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi việc thu hồi các khoản tài sản này không chỉ gặp khó khăn về mặt pháp lý mà còn về thời gian, khi quá trình thu hồi có thể kéo dài, làm giảm hiệu quả thu hồi tài sản. Các vụ án tham nhũng thường liên quan đến nhiều đối tượng và trải dài trên nhiều địa phương, khiến quy trình tố tụng trở nên phức tạp và kéo dài. Từ lúc khởi tố vụ án đến khi xét xử và thi hành án, có thể mất nhiều thời gian, tạo cơ hội cho các đối tượng tẩu tán tài sản trước khi cơ quan chức năng kịp phong tỏa.

Nguyen thi Viet Nga.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga

Để quá trình thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, từ khi khởi tố vụ án đến lúc xét xử và thi hành án. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp phong tỏa tài sản từ sớm ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tránh tình trạng tài sản bị tẩu tán trước khi có quyết định pháp lý chính thức. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

ThS HỒ QUÂN CHÍNH, Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh THADS, Học viện Tư pháp: Thủ tục thi hành án cần đơn giản

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản, tôi cho rằng, một trong những khâu quan trọng đó là thủ tục thi hành án dân sự (THADS). Vì đây chính là khâu quyết định tài sản có thu hồi được hay không và xử lý trong thời gian nhanh hay chậm. Để giải quyết tốt khâu này thì nhất thiết phải sửa đổi thủ tục THADS hiện hành theo hướng đơn giản, hiệu quả hơn. Trong đó, cần có một cơ chế riêng, đột phá cho việc xử lý tài sản, đặc biệt là bất động sản trong các vụ đại án.

Ong Ho Quan Chinh.jpg
ThS Hồ Quân Chính

Trong cơ chế này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ít nhất 4 cơ quan, đó là cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án và cơ quan quản lý chuyên môn về tài sản, để kịp thời giải quyết ngay những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản, thi hành án. Cơ chế này sẽ giải quyết được tình trạng như hiện nay, đó là, khi đến giai đoạn thi hành án thì chấp hành viên, cơ quan THADS phải đi hết nơi này đến nơi khác để xác minh, yêu cầu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp. Việc này tôi cho rằng mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.

TS HỒ NGỌC ĐĂNG, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM: Tăng cường hợp tác quốc tế

Để khắc phục những khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, chúng ta cần tăng cường năng lực của các cơ quan tố tụng. Trong đó, nâng cao năng lực của các cơ quan này như về đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn, trang bị công cụ hiện đại cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... để họ có thể xử lý hiệu quả các vụ án tham nhũng.

Ong Ho Ngoc Dang.jpg
TS Hồ Ngọc Đăng

Chúng ta cần xây dựng cơ chế công khai thông tin về quá trình thu hồi tài sản, tạo điều kiện cho người dân giám sát. Đồng thời, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta cũng cần sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế để truy tìm, phong tỏa và thu hồi tài sản tham nhũng được chuyển ra nước ngoài...

TS - Luật sư NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG, Giám đốc Công ty Luật Viên An: Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với luật sư

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là biện pháp đảm bảo lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại. Việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng hình sự, trong đó có luật sư, bằng mọi biện pháp trong khuôn khổ pháp luật phối hợp với các cơ quan tố tụng để khắc phục hậu quả của vụ án là rất cần thiết và không thể thiếu.

Nguyen thi huyen trang.jpg
TS - Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang

Trong quá trình bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, luật sư cần tư vấn cho thân chủ của mình hiểu rõ rằng muốn đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình trước pháp luật thì thân chủ phải nhận rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật, không thể né tránh, chối tội, sợ bị tịch thu toàn bộ tài sản của bản thân và gia đình. Thông qua luật sư có thể khiến họ nhận thức rõ hành vi sai phạm đã gây ra thiệt hại lớn như thế nào, qua đó có thể giúp giải tỏa gánh nặng tâm lý, sự hoang mang, sợ hãi để họ tự nguyện khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại vụ án để được hưởng sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Điển hình một trong những thành công của luật sư tại vụ án “Chuyến bay giải cứu”, ban đầu xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng không nhận thức được hành vi sai phạm do mình gây ra, nhưng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, qua tư vấn của luật sư bào chữa, bị cáo Hưng đã có sự thay đổi lớn trong diễn biến tâm lý, thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm và tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại do hành vi sai phạm của mình gây ra với tổng số tiền 18,8 tỷ đồng.

Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng, tạm nộp một khoản tiền để khắc phục hậu quả trong vụ án sau này (nếu có) có nghĩa là bị can tự nhận tội. Tuy nhiên trên thực tế, cơ quan đều tra, viện kiểm sát, tòa án thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử không dựa trên việc nộp hay không nộp khắc phục hậu quả của vụ án để định tội danh. Ví dụ trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1, có nhiều bị cáo trong cùng vụ án có nộp khắc phục từ giai đoạn điều tra đều được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không bị cáo nào bị các cơ quan tố tụng áp đặt quan điểm là “do nộp tiền khắc phục cho vụ án” nên mới có tội.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan THADS đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập (ngày 1-2-2013) Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục