Tài sản dễ bị tẩu tán
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng của các địa phương đã ban hành gần 800 kết luận giám định, định giá tài sản theo yêu cầu, trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương. Qua đó đã hỗ trợ nhiều địa phương thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao, như Hà Giang, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh… Một số địa phương có tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án đạt 100%, như Điện Biên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Tuy nhiên, nhìn chung, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn gặp khó khăn.
Một trong những khó khăn mà các địa phương gặp phải là tội phạm về tham nhũng, kinh tế phần lớn xảy ra trong các ngành, lĩnh vực tài chính ngân hàng, đất đai, đầu tư, xây dựng... Do vậy phải cần tới công tác giám định, định giá tài sản để xác định thiệt hại. Trong khi đó, Luật Giám định tư pháp (hiện hành) quy định về giám định liên quan đến lĩnh vực này chưa rõ ràng và cụ thể. Mặt khác, công tác giám định, định giá tài sản chậm, kéo dài đã ảnh hưởng tới thời hạn điều tra, giải quyết vụ án nói chung, công tác thu hồi tài sản nói riêng. Nhiều vụ án phải chờ kết quả giám định, định giá tài sản mới khởi tố, nhưng do thời gian giám định, định giá kéo dài, các đối tượng có điều kiện tẩu tán tài sản.
Tại tọa đàm sơ kết thực tiễn 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 do Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM tổ chức mới đây, ông Ngô Phạm Việt (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM) cho biết, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài. Việc này ảnh hưởng rất lớn tới đảm bảo thời hạn điều tra, truy tố theo quy định; ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án, nhất là các vụ án phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Hiện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đang chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế. Quy chế sẽ làm rõ mối quan hệ, nguyên tắc, phương thức phối hợp, trách nhiệm giữa các cơ quan khi phối hợp.
Đề xuất thí điểm giám định tư pháp
Đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, thông tin, thời gian qua, công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn thành phố đã được Thành ủy, UBND TPHCM quan tâm đôn đốc, nhắc nhở. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, Ban Nội chính Thành ủy TPHCM đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác giám định, định giá tài sản. TPHCM cũng đã ban hành Quy định 11 về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đối với 5 đơn vị trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đang chủ trì tham mưu kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, phối hợp thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Trong đó, tập trung vào các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên để xảy ra tình trạng tồn đọng, kéo dài, từ chối giám định, định giá tài sản không có căn cứ hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Để hiệu quả, nhất quán và đồng bộ về công tác định giá tài sản trên cả nước, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện để Hội đồng định giá cấp tỉnh được học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác định giá tài sản với Hội đồng định giá cấp bộ.
Về công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố có liên quan nghiên cứu vận dụng việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội để tham mưu đề xuất thí điểm về huy động nguồn lực cho công tác cải cách tư pháp; đặc biệt là thí điểm về giám định tư pháp, định giá tài sản để đáp ứng yêu cầu hoạt động tố tụng các vụ án.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã không ít lần đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương kết luận giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đồng chí Phan Đình Trạc, quan trọng là phải khẩn trương kết luận giám định, định giá liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận giám định, định giá tài sản không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
Gỡ khó trong xử lý cổ phiếu bị kê biên
Hiện nay, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) gặp khó khăn trong việc xác minh, xử lý cổ phiếu bị phong tỏa, kê biên trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cơ quan THADS không thể ra quyết định “thu giữ” chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán như những loại tài sản hữu hình, vì nó tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ. Việc thẩm định giá cổ phiếu, xác định giá khởi điểm làm cơ sở bán cổ phiếu cũng tồn tại nhiều bất cập do giá cổ phiếu biến động, thay đổi liên tục so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Trong khi đó, pháp luật THADS không có quy định cụ thể về thời điểm chốt giá cũng như giá khởi điểm để bán...
Mới đây, Bộ Tư pháp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17-3-2020 của Chính phủ. Theo đó, đối với chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán thì chấp hành viên ban hành quyết định kê biên theo quy định tại khoản 3, Điều 71 Luật THADS. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo hợp lệ về quyết định kê biên, đương sự có quyền thỏa thuận bán chứng khoán theo quy định tại Điều 6 Luật THADS. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì chấp hành viên ký hợp đồng ủy quyền với công ty chứng khoán nơi người phải thi hành án mở tài khoản để bán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Công ty chứng khoán phải thông báo về kết quả bán chứng khoán và chuyển tiền cho cơ quan THADS, sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến việc bán chứng khoán.
Dự thảo kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thi hành án đối với tài sản là cổ phiếu bị kê biên, phong tỏa trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay, nhất là tài sản trong các vụ “đại án” như vụ Vạn Thịnh Phát, vụ Tân Hoàng Minh, vụ FLC...
THÀNH TRỌNG