Tuy nhiên, dưới sự theo dõi, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, các cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng liên quan tại TPHCM đã có sự phối hợp chặt chẽ, áp dụng hiệu quả các biện pháp thu hồi tài sản nên đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận.
Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có ý nghĩa then chốt và là thước đo hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khi tỷ lệ thu hồi tài sản ngày một cao.
Cụ thể hóa chủ trương
Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.
Tại TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, kết luận... nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Gần nhất, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 30 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (Ban Chỉ đạo) đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, hiệu quả các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều vụ việc, vụ án có khó khăn vướng mắc được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, góp phần tạo chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng liên quan của TPHCM đã có sự phối hợp chặt chẽ, áp dụng hiệu quả các biện pháp thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết vụ án.
“Chìa khóa” phối hợp đồng bộ
Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy thông tin, trong giai đoạn 2021-2023, Thanh tra TPHCM đã thực hiện 697 cuộc thanh tra, trong đó có 140 cuộc thanh tra đột xuất. Kết quả cho thấy, sai phạm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu… Nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự, bên cạnh kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định, Thanh tra Thành phố áp dụng ngay các biện pháp, hình thức thu hồi tài sản sai phạm.
Việc ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp có quy định khác, là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản, vì đây là giai đoạn quyết định.
Chánh Thanh tra TPHCM cho rằng, sau khi ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra thành phố sẽ theo dõi, đôn đốc, làm việc với đối tượng thanh tra; chủ động phối hợp với các cơ quan để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đối tượng khi nộp lại tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát qua kết luận thanh tra.
Ông Đỗ Xuân Trung, Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TPHCM trong việc cung cấp thông tin về tài khoản, ngăn chặn các giao dịch qua tài khoản mở tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Từ năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã tiếp nhận hơn 200 văn bản yêu cầu phối hợp của các cơ quan chức năng TPHCM.
Theo nhiều chuyên gia, phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, cơ quan liên quan vẫn là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng và kinh tế trong thời gian tới. Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy nhận định, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đất đai, thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài… Sự phối hợp này phải làm ngay từ khi thanh tra, kiểm toán nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện sai phạm.
Mới đây, Hội đồng Định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố cùng Công an TPHCM, Viện KSND TPHCM đã ký kết quy chế phối hợp. Theo đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, các cơ quan liên quan đã thảo luận, xây dựng quy chế phối hợp, với các điều, khoản rất cụ thể.
Quy chế phối hợp cụ thể chừng nào thì phối hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt chừng đó, áp dụng vào thực tiễn sẽ đem lại kết quả nhanh chóng, tốt đẹp. Để đạt được hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản, không thể chỉ có sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với nhau mà còn phải có sự phối hợp kịp thời của cơ quan liên quan như Sở Tài chính, Thanh tra TPHCM, ngân hàng; sự chủ động áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản ngay từ thanh tra, kiểm toán.
Theo Đại tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, trong quá trình chỉ đạo điều tra, Cơ quan điều tra xác định việc truy tìm, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế và tham nhũng là hoạt động đặc biệt quan trọng, bên cạnh việc điều tra, củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội.
Đối với một số vụ án có khối lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát lớn, có thể lập riêng một tổ điều tra chuyên về việc phát hiện, điều tra, thu hồi, xử lý tài sản trong vụ án.