Tăng hợp tác đa quốc gia
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết, việc mở văn phòng trên tại San Francisco đáp ứng cam kết của EU về tăng cường hợp tác công nghệ xuyên Đại Tây Dương và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu dựa trên các giá trị và tiêu chuẩn dân chủ. Đây là một bước đi cụ thể để củng cố hơn nữa công việc của EU trong các vấn đề như chống tội phạm mạng và các mối đe dọa hỗn hợp.
Quan chức EU nêu rõ, đi đầu thế giới về các giải pháp kỹ thuật số và phát triển các chính sách, quy tắc hỗ trợ tầm nhìn lấy con người làm trung tâm về Internet và công nghệ số, EU đã tập trung vào việc tạo ra các mối quan hệ đối tác có giá trị với các quốc gia cùng chí hướng trên thế giới, đặc biệt là với Mỹ. Việc khai trương văn phòng là kết quả của cam kết chung tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ năm 2021 nhằm tăng cường hợp tác công nghệ xuyên Đại Tây Dương và là một phần không thể thiếu trong các kết luận về ngoại giao kỹ thuật số, được Hội đồng Ngoại giao EU thông qua vào tháng 7 vừa qua.
Văn phòng EU tại San Francisco sẽ tìm cách thúc đẩy các tiêu chuẩn và công nghệ của EU, các chính sách và quy định kỹ thuật số và các mô hình quản trị; đồng thời tăng cường hợp tác với các bên liên quan của Mỹ, bao gồm cả việc thúc đẩy hoạt động của Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU - Mỹ. Văn phòng sẽ làm việc dưới quyền của Phái đoàn EU tại Washington DC, phối hợp chặt chẽ với trụ sở chính tại Brussels (Bỉ) và hợp tác với các cơ quan lãnh sự của các quốc gia thành viên EU tại khu vực vịnh San Francisco. Lãnh đạo văn phòng là ông Gerard de Graaf, một quan chức cấp cao của EC, người đã làm việc nhiều về các chính sách kỹ thuật số, gần đây nhất là về luật nền tảng mới mang tính bước ngoặt của EU (Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Đạo luật thị trường kỹ thuật số).
Không ngừng đầu tư, đổi mới
Theo trang The Guardian, việc thành lập văn phòng trên là nỗ lực mới nhất của EU trong thúc đẩy một không gian mạng rộng mở và toàn cầu thông qua việc hợp tác với các đối tác quốc tế. Một khi mạng lưới ngoại giao không gian mạng của EU được hình thành sẽ mang lại tầm nhìn của liên minh về không gian mạng; ngăn chặn, răn đe và phản ứng hiệu quả trước các hoạt động mạng độc hại, đặc biệt là những hoạt động ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng quan trọng, chuỗi cung ứng…
Song song với việc xây dựng các chính sách và luật pháp bảo đảm an ninh mạng, EU còn đầu tư cho các nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo các phương thức, kỹ thuật số hiện đại. EC đã thông qua Chương trình kỹ thuật số châu Âu (Digital Europe Programme - DEP) giai đoạn 2021-2027, đầu tư 9,2 tỷ EUR cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm an toàn hệ thống mạng. Chương trình này sẽ tạo ra các trung tâm đổi mới kỹ thuật số chuyên nghiệp, có khả năng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tư vấn các giải pháp bảo đảm an ninh mạng. Chương trình chủ yếu đầu tư vào 5 lĩnh vực chính, gồm: siêu máy tính (2,7 tỷ EUR), trí tuệ nhân tạo (2,5 tỷ EUR), an ninh mạng và hạ tầng (2 tỷ EUR), kỹ năng số (700 triệu EUR), bảo đảm chuyển đổi số (1,3 tỷ EUR)…