Với nguyên tắc “Thanh - Nhã - Lai - Toàn”, nhà sưu tập Huỳnh Chí Thanh chọn những cổ vật trang nhã, lai lịch rõ ràng và lành lặn. Nổi bật trong bộ sưu tập của anh là chất liệu gỗ với các loại khay, hộp hình khối chữ nhật, khối lập phương, hộp tròn, với nhiều công dụng khác nhau như dùng làm khay trà, khay mứt, hoặc đựng trang sức được trang trí với nội dung dây lá hóa rồng, phượng, thảo mộc… mang tính biểu trưng về những lời chúc tốt đẹp như chúc phúc, chúc thọ, cầu mong cuộc sống viên mãn hạnh phúc.
Khách tham quan chuyên đề Thanh ngoạn |
Nhà sưu tập Huỳnh Chí Thanh chia sẻ: “Dưới thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc gỗ đạt trình độ phát triển đỉnh cao, nhiều sản phẩm được tạo tác mang tính nghệ thuật thẩm mỹ với phong cách đăng đối hài hòa, đường nét tinh xảo. Với sự phát triển của kỹ thuật sơn son thếp vàng, chạm khắc, cẩn khảm kết hợp các chất liệu như ngà, vỏ trai, tre, gỗ… đã tạo nên nhiều tác phẩm sinh động, mang tính mỹ thuật cao”.
Các cổ vật trong bộ sưu tập của Nguyễn Thị Tuyết lại theo phong cách “Cổ, Kỳ, Vĩ”, bao gồm các loại gốm sứ và đồ cung đình Việt Nam như: pháp lam, phẩm phục, đồ dùng bằng các chất liệu kim loại quý… Với mong muốn “Ôn cố - Tri tân” để hiểu hơn về lịch sử văn hóa dân tộc, nhà sưu tập Thân Việt Hùng sưu tầm những cổ vật mang hơi thở văn hóa Việt. Anh dành sự quan tâm đặc biệt cho những loại hình đồ ban thưởng như: Đại tiền (tiền thưởng), kim bội, kim khánh, kim bài… mang ý nghĩa như những huân, huy chương. Không đặt ra một chủ đề, hay phong cách riêng biệt, hiện vật trong bộ sưu tập của Nguyễn Đông Nhựt thiên về những loại hình thuộc các nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai…
Quan tâm đến những hiện vật làm bằng gốm sứ được trưng bày, chị Hoàng Thị Phụng Kiều (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi thích các đồ dùng làm từ gốm nên có tìm hiểu qua một chút, trong triều đình phong kiến lúc này còn lưu dùng một dòng gốm sứ do Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất. Sản phẩm đặt hàng chủ yếu là đồ ngự dụng được các nghệ nhân Việt vẽ kiểu dáng, hoa văn, sau đó gửi sang các lò gốm Trung Quốc sản xuất theo đúng sở thích, thị hiếu, ý đồ. Dòng gốm này thường có những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề… Và bây giờ, rất hiếm có dịp để nhìn thấy những vật dụng bước ra từ cung đình như thế này, nhiều cửa hàng đồ cổ cũng lắc đầu khi có khách hỏi sưu tầm”.