Bước qua nụ cười

Bước qua nụ cười

Không phải là tên một cuốn sách theo kiểu Đi qua thương nhớ hoặc Bước qua lời nguyền của các văn sĩ Việt Nam lừng lẫy tiếng tăm. Đơn giản chỉ là nghĩ về việc thay đổi nổi chìm nụ cười thị dân vài chục năm vừa rồi.

Người Hà Nội thanh lịch kín đáo từ ngàn xưa luôn chọn nụ cười làm thứ vũ khí ứng xử vô cùng lợi hại của mình. Cười đấy mà không phải. Nhưng lại vẫn là cười. Gặp người quen ngoài đường hồ hởi trao ngay nụ cười hỏi han chuyện gia đình, cuộc sống. Nụ cười đáp lại cũng mặn mà không kém như một cách cảm ơn không lời. Bạn đến chơi niềm nở tiếp đón bằng một nụ cười trong vắt kèm theo tíu tít tráng ấm chén pha trà. Ngày chiến tranh bao cấp, nhà mặt phố có khi ngày tiếp đến dăm đám khách. Khách chồng, khách vợ, khách của cả hai. Khách của con gái lớn có khi cũng vài đám một ngày. Nụ cười nồng ấm dù cho nước chè nhạt toẹt. Tất nhiên phụ huynh chẳng bao giờ can thiệp vào chuyện tiếp khách của cô ấy nhưng một nụ cười và cái gật đầu chào bạn của con là không thể thiếu. Và các chàng trai mon men hẹn hò đều học được cách đọc nụ cười của phụ huynh cô gái.

Bố cô ấy tươi cười bắt tay mời các cháu ngồi chơi dĩ nhiên hy vọng tràn trề. Nếu ông cười mủm mỉm chậm rãi đi vào buồng trong nghĩa là cơ hội vẫn còn. Nó chỉ hết khi mẹ cô ấy vừa cười vừa dặn con gái nhớ đi xếp hàng mua nước mắm ngoài cửa hàng mậu dịch. Và thật sự hết cơ hội khi bà còn tỉ mỉ dặn thêm nước mắm tháng này cắt ô số mấy. Con gái tuổi cặp kê ở phố là đứa luôn thuộc lòng các loại tem phiếu. Việc dặn dò tỉ mỉ thế giống như ông trọng tài sân cỏ cố tình làm gián đoạn trận đấu đang hồi gay cấn.

Bạn bè ở cơ quan dĩ nhiên chẳng có gì cho nhau ngoài nụ cười. Nhưng những nụ cười xã giao này đôi khi không hẳn là cười. Cấp dưới cười nịnh cấp trên. Cấp trên cười ban phát mối thân tình cho cấp dưới. Đồng cấp cười với nhau nhiều khi là chia sẻ bận rộn công việc. Nhưng cũng có khi không hẳn thế. Rất có thể cô ấy đang cười mình suốt ngày chúi mũi vào công việc trong khi mọi người đủng đỉnh câu giờ. Chuyện sẽ nghiêm trọng hơn nếu như mình không hiểu. Cô ấy có cách kín đáo thông báo cho những người cùng phòng. Sáng hôm sau đến cơ quan thấy cả phòng nhìn mình cười thì có nghĩa là đã hết chuyện.

Thành phố những năm tháng chiến tranh, những nụ cười không bao giờ thiếu vắng trên khắp phố phường. Đi chợ sớm xếp hàng mua được cái chân giò trọng lượng gấp đôi con số ghi trên phiếu là đủ cười từ cửa hàng về đến tận nhà. Đến cơ quan bốc thăm công đoàn trúng phiếu mua chiếc săm xe đạp phân phối là cười như ma làm cả ngày với các đồng nghiệp. Trẻ con đi học cuối năm được khen thưởng về nhà sẽ tràn ngập tiếng cười. Những đứa học dốt cuối năm về nhà vẫn thấy cả nhà cười như vậy. Nhưng nó thì khóc. Nó biết cả nhà cười chế nhạo nó không bằng chị bằng em.

Nhà cửa chật chội, tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn, ăn mặc rách nát vá víu quanh năm, hình như nụ cười chính là liều thuốc bổ giúp thị dân vượt qua được những tháng năm dài khốn khó. Mọi cam go gian khổ cũng được họ chế biến lại thành ra những nụ cười cho cuộc sống bớt phần nghiệt ngã. Đại khái ca dao hài hước vỉa hè ngày ấy rất sẵn những câu như “Đầu đường đại úy bơm xe/ Giữa đường thiếu tá bán chè đỗ đen/ Cuối đường thượng úy bán kem/ Về quê trung úy thổi kèn đám ma”. Hoặc “Một yêu anh có Seiko/ Hai yêu anh có Peugeot Cá vàng/ Ba yêu nhà cửa đàng hoàng/ Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô/ Năm yêu không có bà bô/ Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về…”.

Thế nhưng giờ đây tìm kiếm một nụ cười thảnh thơi hào sảng trên phố là không dễ. Những kẻ gặp thời ăn nên làm ra tụ tập nơi quán xá thường gây ồn ào bằng những tiếng cười quá cỡ. Dường như với họ phải cười nói như thế mới xứng với đồng tiền bỏ ra. Và cũng hình như xứng với vị trí khuynh loát của họ trên vỉa hè thương trường. Doanh nhân, nghệ sĩ thật sự giàu có hiếm khi cười cợt ầm ĩ như vậy. Người cần lao nhún nhường lại càng hạn chế cười giữa đám đông.

Đi đứng ngoài đường bây giờ cũng không thể cười. Đơn giản vì phải chú ý để khỏi va chạm vào người khác. Một đoạn phố ngắn như ở đường Lê Văn Lương có đến 40 cao ốc 25 hoặc 30 tầng, thực ra không còn đường để đi lấy đâu ra chỗ mà cười. Thiếu vắng tiếng cười làm cho các nhà quản lý văn hóa ở những đô thị lớn có nhiều tâm tư day dứt. Phải tìm ngay cách khắc phục. Rất nhiều cổng chào điện, hoa giả sặc sỡ nằm trên những con đường quan trọng của thành phố. Lần này thì họ đã thành công rực rỡ. Rất khó nhịn cười khi bắt gặp những thứ ấy trên đường.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục