
Dự luật đáng chú ý nhất là Đạo luật Genius, được Hạ viện Mỹ thông qua với 308 phiếu thuận, 122 phiếu chống và hiện đã chuyển đến Tổng thống Mỹ Donald Trump chờ ký ban hành. Đạo luật này yêu cầu các stablecoin - loại tiền mã hóa được gắn với đồng USD (như đồng USDT, USDC, Dai...) phải được bảo đảm hoàn toàn bằng tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Đồng thời, các tổ chức phát hành stablecoin phải công bố định kỳ thành phần dự trữ để bảo đảm tính minh bạch và bảo vệ người dùng.
Tác động rõ rệt nhất của Đạo luật Genius là đưa stablecoin từ một công cụ “tranh tối tranh sáng” trở thành một phần của hệ thống tài chính được quy định. Với nền tảng pháp lý vững chắc, các tổ chức tài chính lớn - từ ngân hàng thương mại đến công ty công nghệ tài chính (fintech) - có thể yên tâm tham gia phát hành hoặc tích hợp stablecoin vào dịch vụ thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới. Cơ hội mở ra không chỉ cho doanh nghiệp Mỹ mà còn cho người tiêu dùng, với khả năng tiếp cận dịch vụ chuyển tiền nhanh, chi phí thấp và không giới hạn giờ giao dịch.
Trong khi đó, Đạo luật Clarity được Hạ viện Mỹ thông qua với 294 phiếu thuận, 134 phiếu chống. Đây là dự luật nhằm xác định rõ khi nào một loại tài sản số được xem là “chứng khoán” (do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ - SEC giám sát), và khi nào nó là “hàng hóa” (thuộc Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai - CFTC). Trong nhiều năm qua, các công ty blockchain vẫn lúng túng trong việc tuân thủ, đồng thời tạo ra tranh chấp pháp lý kéo dài giữa các cơ quan quản lý. Đạo luật Clarity được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng này, mở đường cho các sàn giao dịch tiền số, công ty phát hành token và nhà đầu tư tổ chức hoạt động với rủi ro pháp lý thấp hơn. Đối với thị trường, Đạo luật Clarity là một tín hiệu mạnh cho thấy Mỹ đang dần nghiêm túc hóa và chuyên nghiệp hóa cách tiếp cận với tài sản số.
Đạo luật thứ ba - Chống Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (Anti-CBDC Surveillance State Act), tuy nhận được sự đồng thuận ít hơn (chỉ 219 phiếu thuận, 210 phiếu chống) nhưng không kém phần gây chú ý. Luật này cấm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED - Ngân hàng Trung ương) phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, với lý do chủ yếu là lo ngại về quyền riêng tư và sự can thiệp của chính phủ vào đời sống tài chính cá nhân. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa - lực lượng ủng hộ đạo luật, lập luận rằng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) có thể cho phép chính phủ theo dõi từng giao dịch nhỏ của người dân, từ đó làm xói mòn quyền tự do tài chính.
Ngược lại, phe Dân chủ và nhiều nhà kinh tế cho rằng việc cấm CBDC có thể khiến Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc và Liên minh châu Âu, nơi đồng tiền kỹ thuật số quốc gia đang được thử nghiệm hoặc triển khai. Tuy vậy, đạo luật này nếu được Thượng viện thông qua, sẽ củng cố vị thế của các stablecoin tư nhân và giảm bớt lo ngại của người dân về khả năng bị giám sát tài chính quy mô lớn.
3 dự luật vừa được thông qua là một cột mốc quan trọng đối với thị trường tiền kỹ thuật số. Chúng không chỉ mang lại sự rõ ràng cần thiết cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, mà còn đánh dấu bước chuyển của nước Mỹ từ “chờ đợi” sang “chủ động định hình” tương lai của tài sản số. Giới quan sát nhận định, với 3 đạo luật này, Mỹ đang phát đi một thông điệp rõ ràng rằng nước này không đứng ngoài cuộc chơi tài sản số mà muốn dẫn đầu.