Bước ngoặt mang tên ngữ liệu

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 3935/BGDĐT-GDTrH (CV3935) về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, trong đó nêu rõ: “…đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết…”

Loại bỏ học tủ, học vẹt

Nói một cách dễ hiểu, thì từ nay về sau, đề thi sẽ không được lấy tác phẩm (ngữ liệu) có trong SGK. Nhiều giáo viên (GV), học sinh (HS), phụ huynh (PH), các chuyên gia giáo dục và cả những người quan tâm đến ngành giáo dục đều đồng tình với CV3935, thậm chí kỳ vọng về một sự thay đổi bước ngoặt trong giảng dạy và học tập môn văn không chỉ ở cấp THPT mà còn ở tất cả các cấp học.

Thực hiện nghiêm túc CV3935, hiện tượng học tủ, học vẹt tác phẩm mà không hiểu mấu chốt của vấn đề sẽ bị loại bỏ. Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi, vậy ngữ liệu trong SGK sẽ đóng vai trò như thế nào? Việc không sử dụng ngữ liệu SGK có dẫn đến việc học sinh học một cách hời hợt, hoặc có bị… quá tải vì vừa học ngữ liệu trong sách vừa phải tìm hiểu ngữ liệu ngoài SGK hay không?

b3c3ac6439ec9db2c4fd3.jpg
30ab6a0dff855bdb02944.jpg
SGK Ngữ văn lớp 9 bộ Chân trời Sáng tạo cung cấp nhiều kiến thức nền tảng và ngữ liệu thú vị

TS Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục phân tích: Nếu muốn giáo dục đi vào thực chất, chúng ta nên nhìn lại mục đích, tác dụng mà các môn học hướng đến. Với môn Tiếng Việt hay Ngữ Văn, đọng lại sau 12 năm học phổ thông quan trọng nhất là khả năng đọc, hiểu, viết một cách trôi chảy, lưu loát, kèm theo đó là khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn thơ. Chú tâm quá mức vào vấn đề ngữ liệu hay chuyện trúng tủ đồng nghĩa với việc chú tâm vào con cá mà không để ý tới cần câu.

Chú trọng tư duy

Thực tế, nếu đột ngột cầm một cuốn SGK, chẳng hạn như SGK Ngữ văn 9 bộ Chân trời Sáng tạo, có thể thấy một lượng lớn kiến thức, ngữ liệu… Giả sử, ngữ liệu chỉ lấy trong SGK thôi thì muốn… đoán tủ cũng không hề đơn giản, đó là điều chắc chắn! PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam, đồng chủ biên SGK Ngữ văn bậc THCS lý giải: “Kiến thức được truyền đạt, diễn giải trong SGK Ngữ văn đi theo hình xoắn ốc, tức là ngoài kiến thức mới theo thời gian thì kiến thức đã được học cũng được nhắc lại, bổ sung, phát triển. Tôi vừa tập huấn cho các GV tại khu vực Tây Nam bộ và nhận được phản hồi rằng năng lực của HS tốt hơn hẳn sau vài năm học theo chương trình mới. Mấu chốt của vấn đề là GV phải dạy cho HS có được kỹ năng đọc, phân tích, suy luận… thay cho việc thầy đọc, trò chép”.

Trang 108, SGK Ngữ văn 9 Tập 1 Bộ Chân trời sáng tạo phần “Suy ngẫm và phản hồi” xoay quanh ngữ liệu là bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh” của Nguyễn Nhược Pháp gồm 4 yêu cầu:

1. Liệt kê chi tiết kỳ ảo

2. Phân tích hình ảnh, chi tiết thể hiện nét văn hóa cổ truyền người Việt Nam

3. Xác định chủ đề cảm hứng

4. Tìm chi tiết khác biệt giữa văn bản truyền thuyết và văn bản thơ

Điều đầu tiên có thể thấy rõ là truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” không mới, nếu không muốn nói là cũ với HS lớp 9 vì các em có thể tiếp cận từ rất sớm qua nhiều kênh khác nhau. “Sơn Tinh, Thủy Tinh” đóng vai trò ngữ liệu để học sinh có các kỹ năng phân tích tác phẩm, tìm hiểu nét văn hóa. Và có một điều chắc chắn, nếu HS nắm chắc phương pháp và có tư duy thì thay bằng một truyện khác như “Tấm Cám” hay “Cây tre trăm đốt” cũng không có quá nhiều thách thức. Vậy trả lời cho câu hỏi ban đầu, giá trị của ngữ liệu SGK là gì, đó chính là tác dụng minh họa cho bài học, dẫn chứng để học sinh xử lý vấn đề.

01cf0ac99e413a1f6350.jpg
Trang 108, SGK Ngữ văn 9 Tập 1 Bộ Chân trời Sáng tạo phần “Suy ngẫm và phản hồi” xoay quanh ngữ liệu là bài thơ ‘Sơn Tinh, Thủy Tinh”, một ngữ liệu quen thuộc với nhiều thế hệ HS

Người biết 1 ngoại ngữ có thể thuận lợi khi học ngoại ngữ thứ 2, chơi giỏi 1 môn thể thao thì bổ sung thêm môn khác cũng thuận lợi. Điều tương tự có thể diễn ra với môn Ngữ văn khi xoay chuyển từ việc tập trung cho ngữ liệu sang tập trung cho phương pháp, kỹ năng, tư duy. Nhưng trong thực tế, khi HS được trang bị những kỹ năng cần thiết thì việc “tiêu thụ” các nguồn ngữ liệu, bài tập, yêu cầu sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, và tất nhiên, khối lượng học tập cũng sẽ được giảm tải.

Tin cùng chuyên mục