Tiếng vọng Văn Lang
Có thể nói, không có nhiều hoặc gần như chỉ có Việt Nam là có ngày giỗ Quốc tổ - Quốc giỗ các Vua Hùng, người dựng nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của đất nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đây là ngày giỗ người thật việc thật, gia đình thật, dòng tộc thật, chứ không phải giỗ vật tổ, thần tổ như các nền văn hóa khác.
PGS-TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, phân tích: “Không chỉ hiện nay, mà theo sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư) thì tận khoảng đầu công nguyên đã ghi nhận việc tổ chức lễ giỗ Hùng Vương. Và năm 2012, khi UNESCO tôn vinh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay, di sản này là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam (gần trăm triệu dân trong nước và 5-7 triệu dân ở ngoài nước). Hàng năm, người Việt ở mọi miền Tổ quốc và người Việt ở nước ngoài đều hướng về vua Hùng như một đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tự nguyện và thiêng liêng trong tâm linh của người Việt. Nếu để ý có thể thấy, người Việt trẻ dù trong hay ngoài nước đều chấp nhận hiện tượng văn hóa độc đáo này một cách rất tự nhiên”.
Trương Thư, du học sinh Việt Nam tại University of Melbourne (Trường Đại học Melbourne), TP Melbourne, Australia, chia sẻ: “Chúng tôi có một fanpage và các bài viết ở đây đều thể hiện song ngữ Việt - Anh, mỗi dịp lễ tết, các phong tục, văn hóa truyền thống Việt Nam đều được giới thiệu ở đây và rất nhiều người bạn quốc tế tò mò về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Các bạn bình luận rất nhiều, hỏi về nhà nước Văn Lang vì trước giờ các bạn chỉ biết đến tên nước Việt Nam thôi. Thời gian đầu khi du học, được trải nghiệm nhiều nền văn hóa bên ngoài, những bài viết, video trên mạng xã hội về quê hương Việt Nam đã khiến cho tôi nhớ đến một điều mà mình sẽ không bao giờ có thể thay đổi, hay có thể khiến cho nó biến mất - mình là một người Việt Nam. Dù đi theo các xu hướng đem lại cho mình cảm giác mới mẻ và hào hứng, nhưng với tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quên rằng chính những thói quen rất “Việt Nam” của mình đã khiến mình trở nên đặc biệt”.
Nền tảng từ giá trị truyền thống
Ngày lễ - một dịp để nghỉ ngơi và cũng là cách nhắc nhớ, nhất là với thế hệ trẻ, về lịch sử và văn hóa nước nhà. Từ ngày 22-12-2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua quyết định lấy ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam và 12 nước có Tết Nguyên đán làm ngày nghỉ cho cơ quan này và coi đó là cách phù hợp với thực tế văn hóa thế giới đương đại, là cách thiết thực thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, phát triển một di sản cho đúng với giá trị văn hóa phi vật thể của nó.
Và từ những giá trị thiêng liêng, ý nghĩa đạo lý qua từng dịp nghỉ lễ trở thành hành trang để nhiều người trẻ làm nền tảng để bắt đầu sự nghiệp bản thân. Như với họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ, người rất thành công trong việc gắn kết các yếu tố hội họa với văn hóa và lịch sử. Vừa qua, anh đã giới thiệu đến công trình bộ sưu tập Từ tính Tứ linh giới thiệu các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn.
“Tôi có một tâm niệm là sẽ theo đuổi đề tài văn hóa lịch sử trong suốt sự nghiệp vẽ tranh. Tôi nghĩ, một đất nước vững mạnh là một đất nước có bề dày lịch sử, và một thế hệ vững bền là một thế hệ hiểu rõ gốc gác cội nguồn. Từng ngày nghỉ lễ, sự kiện, di tích đều mang trong mình một câu chuyện, mà để thẩm thấu nó có khi mình phải mất cả đời để hiểu…”, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ bày tỏ.
Lịch sử vốn không phải là câu chuyện dễ truyền tải như nhiều xu hướng giải trí, và văn hóa truyền thống. Đó là những câu chuyện, giá trị rộng lớn mà một sớm một chiều không thể nói hết. Nhưng khi người trẻ còn biết cúi đầu tưởng nhớ tiền nhân, hiểu được ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, thì lịch sử và văn hóa nước nhà vẫn vẹn nguyên ở đó… Dẫu có thể cách tiếp nhận và tự hào của mỗi thế hệ mỗi khác, nhưng nếp sống muôn đời của tổ tông vẫn vững vàng một nền tảng để con cháu tự hào bước lên từ cội nguồn quê hương, xứ sở.