Nhà chức trách Canada yêu cầu các chuỗi siêu thị lớn trong nước chuẩn bị triển khai kế hoạch giảm rác thải nhựa nói trên và dự kiến áp dụng từ cuối năm 2023. Theo đó, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, hay chuỗi kho chứa hàng có doanh thu hơn 4 tỷ CAD (gần 3 tỷ USD) mỗi năm sẽ phải đề ra chiến lược cắt giảm rác thải nhựa. Kế hoạch tạm thời chưa áp dụng đối với các cửa hàng nhỏ lẻ.
Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada ước tính, mỗi năm người dân nước này thải 4,4 triệu tấn rác nhựa và chỉ có khoảng 9% trong số này được tái chế. Bao bì gói thực phẩm hiện chiếm khoảng 1/3 số bao bì đóng gói bằng nhựa được sử dụng tại Canada. Nhà chức trách Canada cũng đã công bố lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, theo đó cấm bán túi nhựa đựng hàng, bộ dụng cụ phục vụ ăn uống bằng nhựa, ống hút nhựa kể từ sau ngày 20-12 tới.
Kế hoạch cắt giảm sử dụng bao bì nhựa có thể sẽ nhắm tới nhiều loại bao bì dùng một lần như gói gia vị, gói thức ăn, bao đựng thức ăn cho vật nuôi, túi sữa, hay màng bọc các loại thực phẩm và rau quả. Dự kiến, 75% trái cây và rau quả ở Canada sẽ được để trong bao bì không có thành phần nhựa từ đầu năm 2026, và đến năm 2030 các nhà bán lẻ ở nước này phải xây dựng kế hoạch bảo đảm hơn 50% mặt hàng được bán đựng trong bao bì không chứa nhựa. Hiện người tiêu dùng Canada đã có thói quen chuẩn bị sẵn túi đựng khi đi mua hàng ở siêu thị nhằm góp phần giảm bớt rác thải nhựa từ túi ni lông đựng hàng sử dụng một lần.
Theo giới chuyên gia môi trường, kế hoạch nêu trên góp phần loại bỏ rác thải nhựa triệt để hơn nữa, nhưng sẽ cần có sự phối hợp của các bên từ nhà sản xuất, đóng gói tới các chuỗi siêu thị bán hàng và người tiêu dùng. Trước đó, lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu những sản phẩm nhựa dùng một lần độc hại, trừ một số ngoại lệ, đã có hiệu lực tại Canada từ năm ngoái. Để đảm bảo các doanh nghiệp ở Canada có đủ thời gian chuyển đổi và loại bỏ hàng hóa còn tồn đọng, việc bán các mặt hàng này sẽ bị cấm kể từ tháng 12-2023.
Chiến lược loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa toàn Canada cũng xác định các nội dung ưu tiên gồm thiết kế sản phẩm nhựa dùng một lần, hệ thống thu gom, năng lực tái chế, nhận thức của người tiêu dùng, nghiên cứu và giám sát, làm sạch và hành động toàn cầu. Các bước tiếp theo là phối hợp giữa các bên liên quan ở cấp liên bang với chính quyền cấp bang, vùng lãnh thổ để xác định giải pháp và thống nhất hành động cụ thể, gọi là kế hoạch hành động. Sau đó là việc thực hiện quy định, cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, giáo dục và đầu tư.
Chiến lược đã đóng góp quan trọng cho chương trình nghị sự toàn diện đang diễn ra của Canada để giải quyết rác thải và ô nhiễm nhựa. Bên cạnh đó, đưa Canada trở thành một trong các quốc gia tiên phong trên thế giới trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa và đáp ứng các cam kết của Hiến chương về nhựa đại dương và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).