Bước đột phá trong chăm sóc, bảo vệ người chưa thành niên

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng phù hợp và sát với quan điểm đề ra. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của xã hội nhằm trao thêm cơ hội để người chưa thành niên phạm tội làm lại cuộc đời, trở thành người tốt và công dân có ích cho xã hội.

Chiều nay (6-6), trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao trình bày tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phóng viên Báo SGGP trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, về những kỳ vọng dự án luật mới này tạo bước đột phá trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

* Phóng viên: Lần đầu tiên chúng ta có một luật dành cho đối tượng là người chưa thành niên. Bà đánh giá thế nào về dự án luật này trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7?

- Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ SỬU: Việc xây dựng luật thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với đối tượng cụ thể.

Luật ra đời sẽ góp phần cụ thể nội dung “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013.

00342e8bf045501b0954.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, là một thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng. Các văn kiện này đều khuyến nghị đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Do đó, việc ban hành luật nhằm nội luật hóa các Công ước, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm lớn của Nhà nước Việt Nam ta.

* Dự án luật có những điều khoản quy định giảm mức án đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo bà, quy định giảm mức hình phạt sẽ giúp người chưa thành niên phạm tội là mang tính nhân văn và tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời?

- Với quan điểm xây dựng luật là bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân khi giải quyết vụ việc có người chưa thành niên. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhưng vẫn nhân văn, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm đối với người chưa thành niên phạm tội.

Ngoài ra, việc giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội luôn phải có sự đồng hành quan trọng của gia đình và cộng đồng xã hội.

Dự án luật đã được xây dựng phù hợp và sát với quan điểm đề ra, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của xã hội nhằm trao thêm cơ hội để người chưa thành niên phạm tội làm lại cuộc đời, hội nhập trở thành con người tốt và công dân có ích cho xã hội.

Theo dự án luật, giảm hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù; trừ trường hợp phạm 5 tội loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt vẫn theo quy định của pháp luật hiện hành để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên.

Việc giảm án đối với người chưa thành niên trước hết thể hiện tinh thần nhân đạo nhằm tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời khi tương lai phía trước còn đủ dài. Vấn đề này vừa phù hợp với định hướng chủ trương của Đảng và các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về quyền trẻ em.

* Bà kỳ vọng thế nào với dự án luật mới này đối với hoạt động hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật?

- Nhận thức được những hạn chế trong công tác hỗ trợ người chưa thành niên, dự thảo luật đã giao trách nhiệm chủ tịch UBND cấp xã nơi người chưa thành niên về cư trú có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên.

Việc đưa những quy định hỗ trợ vào trong dự thảo luật đã nâng cao tính pháp lý, có tính ràng buộc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội sớm hòa nhập với cuộc sống.

Đồng thời giao trách nhiệm cho người làm công tác xã hội trong việc trợ giúp về tâm lý cho người chưa thành niên, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, dự án luật cũng quy định đổi mới việc cấp các chứng chỉ học nghề, tốt nghiệp văn hóa theo hướng các chứng chỉ này được cấp bởi cơ sở giáo dục, trường nghề. Việc này để tránh kỳ thị, phân biệt đối với người chưa thành niên khi tái hòa nhập cộng đồng khiến họ khó tiếp tục đi học hoặc xin việc làm.

Và quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được phân biệt đối xử, kỳ thị khi tuyển dụng, sử dụng người lao động là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên vì lý do trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thi hành án phạt tù.

Bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng không chỉ trong trường giáo dưỡng, trại giam trước khi trả tự do, mà còn sau khi trả tự do; xóa bỏ thành kiến, phân biệt đối xử.

Tin cùng chuyên mục