Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn sau 3 năm thương lượng đầy khó khăn cuối cùng cũng đã tới đích khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Như vậy thỏa thuận chỉ còn chờ Tổng thống George W. Bush - một trong những người chủ xướng thỏa thuận này - ký ban hành.
Thỏa thuận hạt nhân không những mở đường cho phép các công ty của Mỹ bán nhiên liệu, công nghệ và cả các lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ mà còn mở đường để các nước phương Tây khác tìm tới thị trường hạt nhân đáng giá hàng chục tỷ USD này. Pháp và Nga tuyên bố cũng sẽ có các thỏa hiệp tương tự với Ấn Độ.
Trở về thời điểm cách đây hơn 30 năm, sau sự kiện Ấn Độ thử nghiệm hạt nhân vào năm 1974, Mỹ và nhiều nước trên thế giới tỏ ra rất giận dữ. Cho tới nay, Ấn Độ vẫn bị cấm mua bán vật liệu hạt nhân trên toàn thế giới dẫn đến việc nước này thiếu trầm trọng nhiên liệu hạt nhân chạy các nhà máy điện. Chính vì vậy, thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn cũng đã trải qua rất nhiều sóng gió. Nhiều nhóm chống đối cho rằng thỏa thuận này gây hại cho tiến trình cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, vì cho tới nay Ấn Độ vẫn chưa ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Phía chính phủ Mỹ cho rằng thỏa thuận hạt nhân nói trên chỉ đủ cho Ấn Độ duy trì ngành công nghiệp hạt nhân dân sự được quốc tế giám sát chứ không đủ để Ấn Độ phát triển vũ khí hạt nhân. Mặt khác, thỏa thuận này cũng quy định nếu Ấn Độ thử nghiệm vũ khí hạt nhân thì thỏa thuận sẽ ngừng thực thi. Mỹ cũng đã vận động Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán hạt nhân với Ấn Độ.
Cần nhớ rằng NSG được thành lập sau khi Ấn Độ thử nghiệm vũ khí hạt nhân năm 1974 nhằm giám sát các hoạt động mua bán nhiên liệu hạt nhân trên thế giới liên quan đến việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngay cả trong trong nước, Ấn Độ đã có nhiều phản đối vì e ngại thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng đến chủ quyền của Ấn Độ khi cho phép các thanh sát viên LHQ vào các cơ sở hạt nhân. Các đảng cộng sản trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Manmohan Singh đã rút khỏi liên minh cầm quyền buộc ông phải tìm các đảng khác liên minh để duy trì quyền lực. Những người ủng hộ thì cho rằng thỏa thuận này giúp Ấn Độ trở thành một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm hơn.
Nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn còn phản ánh chính sách coi trọng quan hệ với Ấn Độ trong khi quan hệ Mỹ-Pakistan ngày càng trở nên khó khăn do các tay súng Pakistan chống phá quan hệ Mỹ-Pakistan. Mỹ cần mối quan hệ thân mật với Ấn Độ để ổn định Afghanistan, nơi mà Ấn Độ ngày càng có quan hệ mật thiết chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai. Đó là lý do vì sao cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều ủng hộ thỏa thuận hạt nhân này.
VŨ MINH