Bước đột phá lớn bảo vệ rừng

27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua luật mới nhằm góp phần giảm bớt tình trạng phá rừng trên toàn cầu, bằng việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh một loạt mặt hàng.

Theo đó, các công ty kinh doanh dầu cọ, thịt gia súc, gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, và các sản phẩm phái sinh như chocolate, giấy in, sẽ cần chứng minh hàng hóa mà họ bán tại EU không liên quan đến hoạt động phá rừng ở bất kỳ đâu trên thế giới từ sau năm 2021. Luật này cũng quy định các công ty phải chứng minh hàng hóa mà họ nhập khẩu tuân thủ các quy tắc tại quốc gia xuất xứ, trong đó tính đến cả vấn đề bảo vệ người bản địa.

Thỏa thuận này là nỗ lực lập pháp tham vọng nhất để giải quyết vấn đề phá rừng trên toàn thế giới từ trước đến nay. Từ năm 2025, một “điều khoản xem xét lại” trong luật có thể cho phép luật được mở rộng sang “các vùng đất nhiều cây cối khác” như Cerrado của Brazil. Từ năm 2026, luật có thể bao gồm các hệ sinh thái khác có giá trị đa dạng sinh học cao hoặc hàm lượng carbon cao.

Viện Tài nguyên thế giới cho biết, cứ mỗi phút, thế giới mất đi một khu rừng có diện tích bằng 10 sân bóng đá. EU cho rằng nếu không có quy định mới, mỗi năm sẽ có 248.000ha rừng bị phá hủy, tương đương với diện tích nước thành viên Luxembourg. Do vậy, luật mới của EU là một bước đột phá lớn vì nó không cho phép bất kỳ hình thức phá rừng nào để cung cấp cho thị trường EU. Đây cũng là luật đầu tiên đặt ra các quy tắc chống lại các sản phẩm từ rừng do khai thác rừng tự nhiên một cách vô trách nhiệm.

Không chỉ là chìa khóa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học, luật mới còn phá vỡ thế bế tắc cản trở quan hệ thương mại giữa các quốc gia có chung các giá trị và tham vọng về môi trường. Theo giới quan sát, mặc dù có thể vẫn còn một số lỗ hổng, nhưng nếu Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản cùng áp dụng thực hiện các bước pháp lý quan trọng của bộ luật mang tính lịch sử này, thì gần 75% nạn phá rừng nhập khẩu trên thế giới có thể được loại bỏ trong vòng vài năm.

Tin cùng chuyên mục