Trước đây, để thu sóng truyền hình, khán giả chỉ cần một tivi (TV) và một anten xương cá. Ngày nay, khán giả có thể lựa chọn nhiều công nghệ.
Theo kỹ sư Đặng Tấn Mầu, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Đài Truyền hình TPHCM, Chi hội trưởng Chi hội Vô tuyến điện - điện tử TPHCM, tổng số kênh mà khán giả thu được qua các hệ thống kỹ thuật truyền hình hiện nay có thể sử dụng tại TPHCM hiện lên đến gần 1.000 kênh sóng.
Từ năm 1993, với sự xuất hiện của Công ty Truyền hình Cáp Sài Gòn Tourist (SCTV), khán giả truyền hình TPHCM đã có thêm 2 công nghệ truyền hình mới để lựa chọn, đó là MMDS (truyền hình viba) và truyền hình dây dẫn (CATV). Ở thời điểm đó, khi CATV chỉ mới có một số tuyến đường, thì công nghệ MMDS với ưu thế vượt trội của công nghệ vô tuyến đã thu hút được một lượng khán giả đáng kể ở các quận trung tâm (như quận 1,3 5, 10…).
Không chỉ dừng lại đó, 5 năm sau đó, phát huy thành quả đã đạt được, MMDS tiếp tục nâng cấp, mở rộng phục vụ khán giả không chỉ trên toàn địa bàn TPHCM mà còn vươn ra nhiều tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu…
Trong khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một số cơ quan, đơn vị của TPHCM cũng bắt đầu sử dụng truyền hình vệ tinh. Những kiểu anten thu hình rất mới lạ đã bắt đầu xuất hiện trên những mái nhà thành phố. Đó là TVRO (công nghệ truyền hình vệ tinh). Công nghệ này cùng với MMDS và CATV đã tạo nên bước đột phá trong quá trình phát triển công nghệ thu sóng truyền hình ở TPHCM, đồng thời hình thành nên một cuộc cạnh tranh khán giả giữa MMDS và TVRO.
Cũng theo kỹ sư Đặng Tấn Mầu, năm 1998, công nghệ truyền hình số DTH đã bắt đầu xuất hiện ở thành phố với các anten parabol nhỏ gọn thu truyền hình cáp vệ tinh. Đến năm 2001, công nghệ truyền hình số mặt đất được Đài PTTH Bình Dương triển khai với vùng phủ sóng rộng, bao gồm cả TPHCM và một vài tỉnh lân cận. Đến năm 2003, công nghệ truyền hình số mặt đất tiến thêm một bước quan trọng với việc Đài Truyền hình TPHCM lên sóng truyền hình số, còn truyền hình số Bình Dương thì nâng số chương trình phát lên gấp đôi (16 chương trình).
Cuộc cạnh tranh của công nghệ truyền hình số bấy giờ đã bước vào giai đoạn cao trào khi mà thời điểm tháng 10-2004, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai công nghệ truyền hình số qua vệ tinh - DTH phủ sóng toàn quốc, trong đó TPHCM là một thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Tiếp đến, chưa đầy một năm sau (tháng 5-2005), Đài Truyền hình TPHCM chính thức đưa vào hoạt động hệ thống truyền hình CATV và truyền hình cáp vô tuyến Hyper Cable, sau khi lần lượt cả 2 kênh 7 và 9 đã được phát qua vệ tinh với công nghệ DVB-S.
Trước đó, tháng 4-2005, Công ty Đầu tư phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam (VTC) thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông cũng lên sóng đài phát truyền hình số thứ 3 phủ sóng ở khu vực TPHCM, khiến cho cuộc cạnh tranh công nghệ truyền hình càng trở nên gay gắt. Và như vậy, cho đến nay, một số lớn công nghệ truyền hình hiện đại đã được triển khai ở TPHCM. Có loại truyền hình trả phí, có loại truyền hình miễn phí (có thể chỉ thu phí qua thiết bị), nhưng tất cả đã hình thành một cuộc cạnh tranh công nghệ truyền hình nhằm thu hút tối đa số lượng khán giả về phía mình.
THU ANH – DŨNG HƯNG
Lắp đặt anten thu sóng truyền hình cáp vô tuyến hyper cable Trường hợp hướng nhìn về tháp truyền hình có chướng ngại vật, cản chắn sóng đến điểm thu thì cần đưa anten lên thật cao để có tầm nhìn vượt chướng ngại vật. Trường hợp không thể đưa anten cao hơn thì có thể dời anten để né chướng ngại vật. Cần nhớ là cường độ trường sóng băng không biến thiên nhiều theo độ cao, nên nếu anten đã có độ cao đủ nhận được sóng thì không cần phải cố gắng đưa anten lên cao hơn nữa. Một điều đáng lưu ý là không gian phía trước, xung quanh hướng nhận sóng của anten càng trống trải càng tốt. |