Báo chí Trung Quốc đưa tin với chuyến thăm này, ông Kim Jong-un muốn khẳng định lại mong muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lặp lại lời cam kết về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo chí Trung Quốc nhân chuyến thăm này đã ca ngợi tình hữu nghị giữa Triều Tiên và Trung Quốc khi cho rằng mối quan hệ được gầy dựng và nuôi dưỡng bởi các thế hệ lãnh đạo trước đây của cả hai bên là không thể lay chuyển.
Trả lời New York Times, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho rằng với việc mời ông Kim Jong-un thăm Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đang nói với Mỹ và phần còn lại của thế giới rằng “Bất cứ ai muốn một thỏa thuận về bất cứ điều gì liên quan tới tương lai bán đảo Triều Tiên, và nhất là liên quan đến hạt nhân, không thể bỏ qua Trung Quốc”.
Theo Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Hàn Quốc tại Cục Tình báo trung ương Mỹ và hiện đang làm cho Heritage Foundation ở Washington, Trung Quốc đã bị bỏ qua trong tiếp cận ngoại giao dẫn đến thỏa thuận về việc ông Trump gặp ông Kim Jong-un. “Bắc Kinh đã đứng bên lề hàng loạt quyết định gần đây của Triều Tiên. Có khả năng họ thấy cần thiết phải mời ông Kim sang Trung Quốc vì muốn có được thông tin về các cuộc gặp ngoại giao sắp tới và muốn đóng vai trò chính”, ông Klingner nói. Cũng theo các nhà phân tích, sau chuyến thăm, có thể Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực với các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, tạo cho ông Kim Jong-un vị thế mạnh hơn đáng kể trước khi bước vào các cuộc hội đàm thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ.
Điều gây ngạc nhiên lớn cho dư luận thế giới là sau cuộc gặp, chỉ có báo chí Trung Quốc đưa tin cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Báo chí Triều Tiên thì không có dòng nào nói về vấn đề này. Giới phân tích cho rằng ông Kim Jong-un không thể đơn phương tuyên bố phi hạt nhân mà có thể ông sẽ đưa ra điều kiện, chẳng hạn yêu cầu chấm dứt liên minh quân sự Mỹ-Hàn và rút tất cả lực lượng Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Vì vậy, về phía Triều Tiên, ý nghĩa của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Kim Jong-un cũng quan trọng không kém. Bà Lisa Collins, thành viên Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói với CNBC: “Bằng cách hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, ông Kim Jong-un có thể cố gắng đảm bảo rằng ông ta đã không bỏ tất cả trứng vào một giỏ khi đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên”. Nếu đàm phán với Mỹ thất bại trong việc phi hạt nhân hóa, ông Kim Jong-un có thể trở lại mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc. Bà Collins cũng lưu ý rằng Triều Tiên có thể đang cố gắng tận dụng các mối quan hệ tồi tệ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Nhà Trắng đe dọa cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - chiếm hơn 90% khối lượng thương mại của Triều Tiên và là nhà cung cấp năng lượng và nhiên liệu chính. Vì vậy, theo giới chuyên gia, ngoài việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân mạnh có thể tấn công Mỹ, giờ đây, ông Kim Jong-un còn thể hiện sự nhạy bén ngoại giao, biết tính toán các bước đi ngoại giao khôn ngoan hơn.