Tuyên bố sẽ đẩy nhanh vòng tổng tuyển cử vào tháng 6 tới thay vì đợi đến năm 2020 của bà Theresa May đã khiến dư luận bất ngờ. Nhưng theo giới phân tích, đây là sự lựa chọn mà bà Theresa May cho rằng sẽ có kết quả tối ưu nhất. Bởi lẽ, việc tổ chức bầu cử được diễn ra đúng thời điểm đảng Bảo thủ của bà May được dự báo sẽ chiến thắng tuyệt đối. Đảng Bảo thủ đang dẫn trước Công đảng đối lập với khoảng cách 21%. Tỷ lệ cử tri ủng hộ bà May cũng cao hơn thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn tới 37%.
Brexit, tức việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), cũng là lý do chính được nữ thủ tướng đưa ra để lý giải cho cuộc bầu cử sớm. Bà May tuyên bố, cuộc bầu cử sớm này nhằm ngăn các đảng đối lập tại Quốc hội Anh gây chia rẽ đất nước khi chính phủ bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit. Việc đảng Bảo thủ hiện chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện được dự báo sẽ làm tiến trình đàm phán thương lượng về Brexit thêm phần khó khăn. Một lý do nữa khiến bà May càng thôi thúc tiến hành bầu cử sớm chính là việc bà chưa phải là một thủ tướng Anh được bầu chính thức. Dù nắm giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ nhưng Thủ tướng May luôn bị các đối thủ chính trị nói rằng bà không thể đại diện cho cho đất nước vì cử tri chưa bao giờ bỏ phiếu bầu cho bà. Một cuộc bầu cử sớm khiến bà May có thể đạt được mục tiêu này, đồng thời qua đó sẽ củng cố quyền lực và đoàn kết đất nước trong vấn đề Brexit.
Tiến hành bầu cử sớm vào tháng 6 cũng đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ tiến hành tổng tuyển cử sau đó vào năm 2022. Đến thời điểm đó, chắc chắc Anh đã hoàn tất đàm phán Brexit và một chương mới đã mở ra đối với nước Anh sau hơn 4 thập kỷ nằm trong “mái nhà chung” châu Âu. Việc tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn thay vì đợi đến năm 2020 sẽ tránh được tình huống mà bà May sẽ vừa phải đối mặt với thời điểm then chốt trong các cuộc đàm phám với EU vừa phải tổ chức một cuộc bầu cử trong nước diễn ra cùng thời điểm.
Cuộc tổng tuyển cử này cũng diễn ra giữa lúc đảng Dân tộc Scotland (SNP) đang gây sức ép đòi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai tại Scotland về độc lập và tách khỏi Anh. Chắc chắn, Thủ tướng May không muốn Scotland rời khỏi Anh, nên bà cũng muốn nhân cuộc bầu cử sớm giảm số nghị sĩ của SNP đại diện cho Scotland trong Quốc hội Anh, giúp làm suy yếu kế hoạch bỏ phiếu đòi độc lập của xứ này.
Việc bà May kêu gọi bầu cử sớm cho thấy sự tính toán của vị nữ thủ tướng này. Hiện giới quan sát cũng nhìn nhận đây là một bước đi khôn ngoan của bà May. Một chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ có thể khiến những người chỉ trích kế hoạch Brexit của bà May phải im lặng, đồng thời sẽ cho phép nội các của bà toàn tâm toàn ý cho các cuộc đàm phán khó khăn trong hai năm tới với EU. Kế hoạch của bà May còn nhận được sự hậu thuẫn từ phía EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng đã tuyên bố rằng, “các cuộc đàm phán thực sự” giữa EU và Anh về vấn đề Brexit, sẽ chỉ bắt đầu sau khi Anh tổ chức xong cuộc tổng tuyển cử.