Việc các ĐBQH bấm nút thông qua là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Bộ Chính trị (Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW), chính sách của Quốc hội (Nghị quyết 81/2023) bằng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Từ đó, các cơ quan, đơn vị liên quan có cơ sở phối hợp triển khai, tạo thuận lợi cho TPHCM phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đối với cả nước và đạt được mục tiêu “có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á” vào năm 2030.
Trên tinh thần đó, các cơ chế, chính sách mới nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển của TPHCM; đồng thời khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, phát huy tiềm năng của thành phố, tạo sự lan tỏa, mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Song, việc thông qua các cơ chế đặc thù cũng là tiếp tục giao TPHCM một trọng trách lớn. Đó là để thành phố thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách mới, nếu thành công sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới đối với cả nước. Khi thẩm tra về dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị, nghị quyết mới phải chứa đựng giá trị “thí điểm”, mang giá trị nhân rộng mô hình. Sau thời gian thí điểm thì các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… có thể học tập, thực hiện các chính sách mới.
Theo thống kê, đóng góp của TPHCM với cả nước không chỉ ở tỷ trọng hơn 25% GDP, mà còn thể hiện ở các chỉ số lan tỏa của thành phố đến các vùng khác. Kết quả nghiên cứu liên vùng của nhóm TS Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, xác định, khi cầu cuối cùng nội tại TPHCM (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của người dân thành phố, đầu tư và xuất khẩu) tăng lên 100 đồng thì tạo giá trị tăng thêm cho thành phố khoảng 89% và lan tỏa đến các vùng khác 11%. Đặc biệt, tiêu dùng của người dân thành phố sẽ lan tỏa đến giá trị tăng thêm cho vùng khác đến 17%; đầu tư và xuất khẩu lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác lần lượt là 8,8,% và 8,7%.
Các chỉ số lan tỏa ở mức cao vừa nêu thể hiện rõ sự quan trọng của kinh tế thành phố với cả nước. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu, với tính chất một đô thị loại đặc biệt của thành phố, không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt tương thích, để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng thực hiện tốt hơn trọng trách dẫn dắt và “đi trước mở đường” như một trung tâm thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc chưa đủ “chín”.
ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng phân tích, thành phố là nơi có đủ điều kiện để thử nghiệm các chính sách mới mà pháp luật chưa quy định, chưa được luật hóa. Việc có nghị quyết mới để thành phố thực hiện thí điểm có thể coi là một hình thức đầu tư cho thành phố bằng cơ chế, chính sách. Mà đầu tư cho TPHCM là đầu tư cho phát triển để đầu tàu mạnh, là đầu kéo kinh tế của cả nước và hỗ trợ các vùng còn khó khăn.
TPHCM có độ mở lớn về hoạt động kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng thì cũng đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, tạo tính mở của hệ thống pháp luật (đối với thành phố) để đảm bảo tương thích với đặc thù và phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, mà vẫn bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nguyên tắc này đã được Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nêu: “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép…”. Vì thế, TPHCM được thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cũng là “tiên phong”, là mở đường như tinh thần của Nghị quyết 27.
Đặc biệt, việc các ĐBQH bấm nút thông qua nghị quyết mới và quá trình triển khai thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách mới sau khi được Quốc hội thông qua đều có điểm chung quan trọng. Đó là cùng thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước - là bước đi cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta trong giai đoạn mới.