Bước đi chiến lược của Mỹ

Theo kế hoạch, hôm nay 3-5, phái đoàn của Mỹ có các cuộc họp bàn về vấn đề thương mại khá căng thẳng với Trung Quốc để tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến thương mại liên quan tới các hành vi mà Mỹ cho là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh. 

Trước đó, Mỹ tuyên bố hoãn áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm lá nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 1 tháng.

Xoa dịu đồng minh EU

Trong thông báo ngày 1-5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết việc Washington hoãn áp thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU thêm 1 tháng là nhờ kết quả từ các cuộc thảo luận nhằm làm giảm căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Tuy nhiên, ông Ross cũng cho rằng việc miễn thuế không nên trở thành một thông lệ, đồng thời cho biết Washington đã lên kế hoạch đánh thuế Trung Quốc, nếu phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh không thể dàn xếp việc giảm thiểu tình trạng mất cân bằng thương mại.

Theo CNBC, trong tuyên bố ngày 1-5, EU đã tỏ ý thất vọng về quyết định chỉ gia hạn miễn thuế của Washington, cho rằng điều này càng “kéo dài bất ổn”, đồng thời kêu gọi Mỹ miễn trừ vĩnh viễn các khoản thuế kể trên.

Theo giới phân tích, quyết định hoãn áp thuế của Mỹ là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của EU. Khối này đã đe dọa trả đũa nếu việc đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ có hiệu lực, bằng việc đánh thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm về chính trị của Mỹ.

Quyết định của Mỹ cũng là để xoa dịu đồng minh EU, tạm tránh một “cuộc so găng” với những thiệt hại chưa thể tính toán hết với EU trong lĩnh vực thương mại.

Theo bà Monica de Bolle, nhà nghiên cứu cấp cao hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể “đơn thương độc mã” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và EU hiểu điều đó. Đồng thời cũng cho rằng Brussels có ảnh hưởng không thể phủ nhận về mặt chiến lược và ngoại giao, điều mà Washington không thể phớt lờ.

Tương tự, chuyên gia thương mại Edward Alden, làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định nếu các khoản thuế nhằm vào kim loại của EU có hiệu lực trong ngày 1-5, những đòn trả đũa sau đó của EU sẽ khiến Mỹ bị cô lập trong khi đối đầu với Trung Quốc.

Bước đi chiến lược của Mỹ ảnh 1 Sản lượng thép Mỹ nhập khẩu từ các nước, vùng lãnh thổ trong năm 2017
Thiệt hại

Theo kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc ngày 2-5, Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc sẽ gặp phái đoàn thương mại Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh. Phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc gặp này gồm: Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng 2 cố vấn kinh tế Nhà Trắng là Larry Kudlow và Peter Navarro.

Cuộc gặp là để thảo luận với các quan chức Trung Quốc xoay quanh vấn đề thâm hụt thương mại vốn lên tới mức kỷ lục 375 tỷ USD hồi năm ngoái  và những hành vi thương mại mà Washington coi là “thiếu công bằng’ của Bắc Kinh liên quan  đến quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Cả Mỹ và EU đều chung quan điểm chống lại các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Washington đang tìm cách để đồng minh EU chấp nhận chiến lược của mình và giúp Mỹ củng cố sức mạnh trước Trung Quốc.

Việc Mỹ quyết định áp thuế cao đối với một số mặt hàng Trung Quốc có tổng trị giá xuất khẩu sang Mỹ là 50 tỷ USD đã tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp Mỹ, trong đó phải kể đến các nhà sản xuất rượu vang tại bang California. Nhiều hợp đồng xuất khẩu rượu của doanh nghiệp Mỹ sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã bị đình lại, đứng trước nguy cơ bị gạt ra khỏi thị trường đầy tiềm năng Trung Quốc với tầng lớp trung lưu lên tới 300 triệu người và bị các đối thủ từ châu Âu thế chỗ. 

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ người tiêu dùng (CTA) và Liên đoàn Bán lẻ toàn quốc (NRF) công bố ngày 1-5, kế hoạch của ông Donald Trump áp đặt thuế quan lên ít nhất 50 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc làm giảm tăng trưởng kinh tế của Mỹ gần 3 tỷ USD và làm mất 134.000 việc làm.

Tin cùng chuyên mục