Giải nhất năm nay thuộc về tác giả Huỳnh Thị Minh Hạ với tác phẩm “Mơ”, chất liệu video art. Đây là giải thưởng nhận được sự quan tâm của nhiều người trong giới, phản ánh rõ nét xu hướng thực hành sáng tạo hiện nay. Những tác phẩm được chọn được các nghệ sĩ sáng tạo mang hơi thở nghệ thuật đương đại, thậm chí phá cách.
Giải thưởng mỹ thuật dành cho nghệ sĩ trẻ hay nghệ thuật đương đại trong nước hiện nay không thiếu, tuy nhiên phần lớn vẫn là nguồn quỹ đến từ các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam như Quỹ Đan Mạch hay một số đơn vị xã hội hóa như Sàn Art, Post Vidai, Nguyen Art Foundation, VCCA... những giải thưởng trong nước như Giải thưởng Mỹ thuật trẻ lưỡng niên vẫn còn khá ít ỏi. Mức độ lan tỏa của các giải này cũng có sự chênh lệch khá rõ. Giải thưởng được tổ chức bởi hội nghề nghiệp trong nước hay các đơn vị công lập, mức độ truyền thông cho nghệ sĩ đoạt giải khá chậm, thậm chí mờ nhạt. Riêng các giải đến từ đơn vị xã hội hóa hay nguồn tài trợ nước ngoài, truyền thông cho nghệ sĩ bài bản thì có sự lan tỏa rất lớn, thậm chí là xuất hiện ở các tạp chí nghệ thuật trong khu vực. Vì vậy, việc đoạt giải có thể nói là bước tiến rất lớn trong nghề của nghệ sĩ trẻ.
Để ghi tên mình vào các giải thưởng hiện nay cũng không dễ, bởi số lượng có hạn và tiêu chuẩn khá cao. Các nghệ sĩ đương đại thường chia 2 hướng, khi có tài trợ mới thực hiện tác phẩm hoặc “lấy ngắn nuôi dài”, kiếm tiền bằng công việc khác để đầu tư vào đam mê nghệ thuật. Nhiều giám tuyển trong nước nhìn nhận, việc tài trợ cho nghệ thuật đương đại còn hạn chế, bởi “có hiểu mới thương”. Cần phải có nhận thức, cái nhìn đúng và cởi mở về tính đương đại và hơn hết là tinh thần phát triển cộng đồng, phát triển nghệ thuật... vì tác phẩm đương đại khó mua bán, khó có lợi nhuận ngay. Bên cạnh đó, các tổ chức nước ngoài hoặc tư nhân muốn lập quỹ tại Việt Nam cũng không dễ, có quỹ hoạt động được vài năm thì chuyển sang các quốc gia khác. Vì thế, bệ phóng này giúp nghệ sĩ nhanh chóng khẳng định mình nhưng cũng không ít phiêu lưu, khi nghệ thuật đòi hỏi phải đầu tư tiền bạc lẫn công sức lâu dài, còn quỹ hỗ trợ từ bên ngoài thì khó đoán được ngày mai.
Câu hỏi được người trong giới đặt ra là, liệu sau những kỷ lục triệu USD của giá tranh Việt trên sàn quốc tế nằm ở phân khúc tranh Đông Dương, thì mỹ thuật Việt còn lại gì? Câu trả lời có lẽ ngay trong chính hiện tại. Chúng ta không thiếu đội ngũ sáng tạo, tuy nhiên dù là bước đệm an toàn hay bệ phóng ngắn hạn cũng cần có giải pháp trợ lực cụ thể, để người thực hành sáng tạo sống được với nghề thì câu chuyện nâng tầm tác phẩm mới có nhiều hy vọng.