Bước đầu thành công trong nghiên cứu nhân bản vô tính trên động vật

Tại hội nghị công nghệ sinh học sinh sản châu Á lần thứ 3, diễn ra ngày 29-11 tại Hà Nội, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công bố đã nhân bản được giống lợn mini hoang dã sạch dòng chưa bị ảnh hưởng bởi các chương trình lai tạo như các giống lợn Mẹo, lợn Sóc, lợn Bản. Tế bào sinh dưỡng của các giống lợn này được bảo quản trong ngân hàng lạnh và có thể khai thác sử dụng trong các nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm và nhân bản vô tính với mục đích bảo vệ đa dạng sinh học.

Các nhà khoa học cũng cho biết, họ còn thực hiện nghiên cứu nhân bản vô tính trên các loài khỉ đuôi dài và khỉ vàng. Kết quả, họ đã tạo được khỉ có thai do cấy phôi nhân bản vô tính, mặc dù thai này chỉ phát triển đến tháng thứ 3.

Ứng dụng nhân bản vô tính trong việc sản xuất tế bào gốc phục vụ liệu pháp điều trị bằng thay thế tế bào sẽ giúp không bị hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân đào thải. Những nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong điều trị các bệnh xã hội và bệnh hiểm nghèo cũng như bệnh khiếm khuyết chức năng miễn dịch di truyền như đái đường, ung thư máu, bạch cầu, Parkinson, u xơ nang... 

PH.PH.

Tin cùng chuyên mục