Lực đẩy từ hạ tầng
Hơn 10 năm trước, các công trình giao thông (cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ) đi vào hoạt động, phá thế “qua sông lụy đò” ở ĐBSCL. 10 năm sau, cùng với các công trình này, tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe và hàng loạt dự án, công trình trọng điểm khác đang được triển khai (cảng nước sâu Trần Đề, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, 4 dự án đường cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh) đã từng bước gỡ bỏ những “mảng tối” trong bức tranh công nghiệp của vùng đất Chín Rồng.
Sau hơn 7 tháng khởi công, Khu Công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ đang dần nên hình nên dáng. Theo ông Anthony Tan, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore, KCN Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ là dự án đầu tiên đơn vị đầu tư tại ĐBSCL. “Yếu tố quan trọng để chúng tôi quyết định đầu tư vào đây là hạ tầng giao thông trong vùng đã và đang được Chính phủ đầu tư, ngày càng hoàn thiện. Nút thắt lớn nhất của miền Tây đang từng bước được tháo gỡ và trong tương lai, đây sẽ là lực đẩy lớn để ngành công nghiệp phát triển mạnh”, ông Anthony Tan chia sẻ. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thông tin, KCN Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ là dự án trọng điểm của TP Cần Thơ, có sức lan tỏa trong khu vực, được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại, phát triển bền vững. Khi hoàn chỉnh, KCN này sẽ tạo việc làm cho 100.000 người lao động, thu hút 3,5 tỷ USD.
Cùng với TP Cần Thơ, 3 năm qua, ngành công nghiệp tỉnh Long An cũng có nhiều bứt phá. Cụ thể, sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 4%/năm. Trong đó, công nghiệp chế biến luôn chiếm tỷ trọng trên 90%. Quy mô ngành công nghiệp không ngừng tăng lên, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển các ngành nghề mới như: điện, điện tử, cơ khí, sản xuất điện năng lượng mặt trời, công nghiệp chế biến nông sản… Theo Bộ KH-ĐT, tỉnh Long An đang là địa phương đứng thứ 3 cả nước trong quá trình phát triển các KCN (sau Đồng Nai, Bình Dương). Về thu hút FDI, tỉnh Long An đứng thứ 13 cả nước và đứng thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM). Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, có được những thành quả trên là do thời gian qua, tỉnh nỗ lực triển khai chính sách thông thoáng, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đặc biệt hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối với TPHCM.
Nâng chất nguồn lao động
Theo quy hoạch, UBND TP Cần Thơ phấn đấu đưa TP Cần Thơ thành trung tâm công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản lớn của cả nước, mang tầm khu vực. Để đạt mục tiêu trên, cùng với 7 KCN hiện có, TP Cần Thơ đang lên kế hoạch thành lập thêm 7 KCN mới, với tổng diện tích hơn 6.485ha. Nhằm giúp các KCN hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, TP Cần Thơ đang tập trung thực hiện giải pháp then chốt là nâng cao chất lượng nguồn lao động tại chỗ. Trước mắt, TP Cần Thơ giao huyện Vĩnh Thạnh xây dựng Đề án đào tạo nghề miễn phí cho lao động địa phương. Nằm trong đề án này, dự kiến có 3.000-5.000 người lao động địa phương được đào tạo để cung ứng cho các nhà máy trong KCN Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ.
Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh thông tin, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng công tác quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất công nghiệp, song song với đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường công nghiệp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời thực hiện những giải pháp đồng bộ về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... với những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư yên tâm đến với địa phương.
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, 2 lực cản lớn nhất trong phát triển ngành công nghiệp ở địa phương trước đây là hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện và chất lượng nguồn lao động thấp. Nhiều doanh nghiệp đến rồi đi vì chi phí logistics quá cao; kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp quá lớn. Tuy nhiên, với việc nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai trong thời gian gần đây tại ĐBSCL, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, đã bắt đầu quan tâm, liên hệ địa phương để tìm hiểu các dự án liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu tôm, khí - điện - đạm. Có thể thấy, các nút thắt lớn trong phát triển công nghiệp ở Bạc Liêu nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đang dần được tháo gỡ. Vấn đề còn lại hiện nay là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động tại chỗ.
Theo Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN trên địa bàn đạt 687,7 triệu USD, tăng 25% với cùng kỳ năm 2023. Tính đến tháng 3-2024, có 42.206 người lao động đang làm việc tại các KCN ở TP Cần Thơ, tăng 637 người lao động so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người lao động của các doanh nghiệp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 19.464 người lao động. Lũy kế trên địa bàn thành phố, hiện có 81 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.274,97 triệu USD.